Theo những người được Bộ Tài nguyên và Môi trường Philippines (DENR) thuê để bảo tồn đảo thì chủ yếu rác là rác thải nhựa, trong đó nhiều nhất là các loại gói nhựa dẻo.
Phủ kín 130.000 sân bóng
Trước đó, trong lần dọn dẹp bờ biển trên đảo Manila Bay hồi tháng 8, DENR thống kê “thành quả” của 5 ngày làm việc là 16 tấn rác, phần lớn là nhựa, bao gồm cả các loại túi, gói làm từ nhôm và hỗn hợp nhựa.
Những gói nhỏ này đựng nhu yếu phẩm hàng ngày của các gia đình nghèo như dầu gội, sữa tắm, nước giặt, kem đánh răng… Đối với các công ty đa quốc gia chuyên sản xuất mặt hàng này, đây là một cách để tăng doanh số vì nó phù hợp với nhóm khách hàng không đủ khả năng mua hàng với số lượng lớn hơn.
Theo kết quả nghiên cứu mới đây của tổ chức môi trường The Global Alliance for Incinerator Alternatives (GAIA) thì tại Philippines, lượng sản phẩm đóng gói nhỏ được tiêu thụ mỗi ngày lên tới 163 triệu chiếc, tức là gần 60 tỷ gói mỗi năm, đủ để phủ kín 130.000 sân bóng đá.
Ở các khu vực ổ chuột của Manila, nơi không có xe chở rác đi thu gom rác định kỳ, gói nhựa dẻo và các chất thải khác được ném thẳng xuống sông hoặc đổ ra đường.
Quy định pháp luật của Philippines về chất thải rắn dường như chưa đủ răn đe và quốc gia này cũng chưa có quy định về sản xuất bao bì. Theo một nghiên cứu từ năm 2015 của Đại học Georgia, có tới 81% rác thải nhựa ở Philippines không được xử lý đúng cách.
Philippines hiện có dân số 107 triệu người và 1/5 trong số họ sống dưới mức chuẩn nghèo (tiêu dùng hàng tháng dưới 241 USD theo tiêu chí thống kê của Philippines).
Ở Manila - thành phố bên bờ biển, phần lớn rác thải được đổ ra biển. Theo tổ chức phi lợi nhuận Ocean Conservancy, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc chiếm 60% lượng rác thải nhựa trên biển của toàn thế giới, tương đương 8 triệu tấn rác vứt xuống biển mỗi năm.
Mỗi buổi sáng, bờ biển Đảo Tự do ở Philippines phủ đầy rác |
“Tội đồ” đích thực?
Một số chuyên gia môi trường cho rằng thủ phạm chính không phải chính quyền hay người tiêu dùng, mà là các công ty đa quốc gia sản xuất bao bì nhựa.
GAIA đã nghiên cứu chất thải không thể tái chế được thu gom trong quá trình dọn dẹp bờ biển của Philippines và thấy rằng 60% trong số đó có xuất xứ từ 10 công ty, “dẫn đầu” là Nestle, Unilever và Procter & Gamble.
Nestle từ chối tiết lộ số lượng gói nhựa nhỏ được sản xuất hoặc bán tại Philippines. Công ty cho biết đã cam kết tìm cách giảm thiểu rác thải nhựa trên biển thông qua các chương trình thu gom và tái chế nhựa, nhưng cũng lý giải thêm rằng loại túi nhỏ có tác dụng ngăn chặn rò rỉ các chất dinh dưỡng vi lượng cần thiết để giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt là ở trẻ em.
Unilever cũng không tiết lộ số lượng gói nhựa nhỏ được sản xuất tại Philippines, nhưng cho biết sản lượng bao bì nhựa toàn cầu của hãng là 610.000 tấn mỗi năm.
Nestle và Unilever đặt mục tiêu 100% bao bì của hai hãng này có thể tái chế hoặc tái sử dụng vào năm 2025 trên toàn thế giới.
Unilever cho biết đã triển khai chương trình thu gom tại Philippines, tận dụng các gói nhựa dẻo để làm ghế học sinh hoặc lát nền; đồng thời thử nghiệm một số điểm “tiếp” dầu gội và dầu xả (người dân tự mang túi, chai đến mua).
DENR cho biết đang làm việc với tất cả các nhà sản xuất để tìm giải pháp quản lý chất thải. Unilever, P&G và Nestle cùng một số doanh nghiệp đã lên kế hoạch phối hợp xây dựng dây chuyền xử lý các gói nhựa dẻo thành khối nhựa lớn hoặc làm gạch sinh thái, với tổng mức đầu tư 25 triệu peso (tương đương 475.000 USD).
Tuy nhiên, theo ông Von Hernandez, điều phối viên toàn cầu của phong trào Break Free From Plastic, các công ty này chỉ cố tỏ ra thân thiện với môi trường mà thôi.
“Họ không thực sự thay đổi căn bản hoạt động kinh doanh của mình. Ngành công nghiệp nhựa dự kiến sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân, đặc biệt là vào năm 2030. Phần lớn trong đó dùng để sản xuất bao bì và chắc chắn là lại tạo ra các loại túi, gói nhỏ”.
Hải Châu