Nâng kinh tế số Đông Nam Á sẽ lên tầm cao mới |
Báo cáo đã chỉ ra 6 nội dung chính cần chú trọng trong công cuộc phát triển số ở Đông Nam Á, với khởi đầu là mở rộng kết nối, coi đó là xương sống của nền kinh tế số. Mặc dù một nửa dân số trong khu vực đang sử dụng internet - tương đương với mức bình quân trên toàn cầu - nhưng tỷ lệ đó vẫn có thể được nâng lên nếu có các chính sách và hành động nhằm giảm giá thành, tăng tốc độ và tăng độ phủ sóng Internet băng thông rộng.
Khi chuyển đổi công nghệ số đang diễn ra ở tất cả các ngành kinh tế, kỹ năng của lực lượng lao động trong khu vực cũng cần phải bắt nhịp. Hệ thống giáo dục có vai trò chính trong việc phát triển kiến thức kỹ thuật và kỹ năng mềm cần thiết để tồn tại trong nền kinh tế số toàn cầu đầy tính cạnh tranh. Khi công nghệ đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, khả năng thích ứng và học trọn đời càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và cần có sự phối hợp hiệu quả hơn giữa khu vực công và khu vực tư nhân.
Thanh toán số cũng là một trong những trụ cột căn bản khác để tạo nên nền kinh tế số, nhưng báo cáo cho thấy lĩnh vực này vẫn chưa phát triển ở Đông Nam Á so với những nơi khác trên thế giới. Ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, thanh toán vẫn chủ yếu bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh rằng phát triển số ở Đông Nam Á không thể chỉ phụ thuộc vào những nền tảng ảo. Ngành logistics vận hành tốt là điều kiện thiết yếu để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế số, đặc biệt là thương mại điện tử. Trong khu vực, khung pháp quy hiện đại về logistics có thể nâng cao cạnh tranh, giảm chi phí logistics và cải thiện chất lượng dịch vụ. Cụ thể, hợp lý hóa thủ tục hải quan có thể tạo điều kiện để vận chuyển nhanh hơn, rẻ hơn, dễ đoán biết hơn và đẩy mạnh thương mại điện tử.
Lê Minh