Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) - hai cơ quan cùng có chức năng thực thi pháp luật về chống độc quyền ở Mỹ, sẽ chia nhau nhiệm vụ giám sát 4 công ty, trong đó Amazon và Facebook chịu sự giám sát của FTC, còn Apple và Google chịu sự giám sát của DOJ. Cả FTC và DOJ chưa chính thức thừa nhận thông tin trên.
Cơ quan công quyền rục rịch vào cuộc
Các công ty công nghệ đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích ở Mỹ và trên toàn thế giới vì nắm trong tay quá nhiều quyền lực và tác động tiêu cực đến người dùng cũng như thị trường cạnh tranh.
Thời gian qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu các công ty truyền thông xã hội và Google phải được theo dõi chặt chẽ. Ông cho rằng những “gã khổng lồ” internet này “đàn áp” những quan điểm trái chiều trên mạng, thậm chí ông nhiều lần chỉ trích đích danh Amazon là lợi dụng Dịch vụ Bưu chính của Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến của vị Tổng thống Mỹ không đi kèm với chứng cứ rõ ràng.
Cổ phiếu của Facebook và Alphabet (công ty mẹ của Google) đều giảm hơn 6% trong ngày giao dịch thứ Hai. Cổ phiếu Amazon.com giảm 4,5% và cổ phiếu Apple giảm 1%.
Sự việc bắt đầu râm ran từ thứ Sáu tuần trước (31/5) khi truyền thông Mỹ đưa tin DOJ đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để điều tra Google nhằm xác định xem nền tảng quảng cáo trực tuyến lớn nhất thế giới có vi phạm luật cạnh tranh thông qua hành vi lợi dụng quy mô để chèn ép các đối thủ nhỏ hay không.
Sau đó một ngày, đến lượt tờ Washington Post đưa tin Amazon sẽ bị FTC đưa vào tầm ngắm nếu cần tiến hành điều tra.
Bốn công ty công nghệ nêu trên, tất cả đều có giá trị thị trường lên tới hàng trăm tỷ USD, từ lâu đã bị nhiều nước “để mắt” tới hoạt động kinh doanh của mình.
Amazon - hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới, bị chỉ trích vì gây khó dễ cho đối tác bán hàng bên thứ ba trên trang web của mình cho dù họ đã phải trả tiền quảng cáo để cạnh tranh với doanh số của bên thứ nhất và các nhãn hàng riêng của chính Amazon.
Các nhà lập pháp cũng cho rằng chính sách phá giá của Amazon đã gây tổn hại cho các hãng bán lẻ truyền thống, phần nhiều trong số đó đã không thể chịu nổi và buộc phải đóng cửa.
Liên minh châu Âu đang điều tra đơn kiến nghị của hãng dịch vụ âm nhạc Spotify Technology đối với Apple, với lý do Apple cản trở người dùng tải ứng dụng này. Năm 2014, nhà sản xuất iPhone đã phải dùng tiền để giải quyết một vụ kiện cáo buộc họ bắt tay với các nhà xuất bản để tăng giá sách điện tử.
Hoạt động của 4 “gã không lồ” công nghệ từ lâu đã bị “để mắt” tới |
Dứt khoát nhưng chưa chắc mạnh tay
FTC thì đã và đang điều tra việc Facebook làm rò rỉ thông tin cá nhân của 87 triệu người dùng thông qua công ty Cambridge Analytica (giờ đã đóng cửa). Facebook ước tính có thể phải nộp phạt tới 5 tỷ USD.
Facebook sau khi thâu tóm cả các đối thủ một thời như Instagram và WhatsApp hiện có hơn 1,5 tỷ người dùng hàng ngày với tầm ảnh hưởng rất lớn ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, chỉ trích dành cho Facebook cũng không phải là ít, khi để các thông tin giả hay phát ngôn thù địch lan truyền trên nền tảng này.
Trong khi đó, Google đang vấp phải một số cáo buộc rằng dịch vụ tìm kiếm này cố tình dẫn dắt người tiêu dùng đến với các sản phẩm của chính công ty và gây thiệt hại cho đối thủ cạnh tranh.
FTC từng xử lý một cuộc điều tra nhằm vào Google trong năm 2013 và kết luận được đưa ra khi đó là công ty không thao túng kết quả tìm kiếm để chơi xấu đối thủ. Tuy nhiên, Google liên tiếp bị cơ quan quản lý cạnh tranh của Liên minh châu Âu phạt tiền mà gần đây nhất là vào tháng 3/2019 với số tiền 1,5 tỷ euro liên quan tới các hành vi bất hợp pháp trong hoạt động trung gian quảng cáo tìm kiếm trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2016.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng lần này, chính phủ Mỹ xem chừng muốn làm dứt khoát, nhưng chưa chắc đã mạnh tay đến mức buộc doanh nghiệp phải chia tách hoạt động. Thường thì sau khi kết thúc quá trình điều tra, các bên sẽ đạt được thỏa thuận về việc doanh nghiệp điều chỉnh một số hoạt động kinh doanh cho phù hợp.
Hải Châu