Theo hãng tin Reuters, 25 vụ việc pháp lý mới này xoay quanh những hành vi diễn ra tại các cửa hàng của McDonald’s ở 20 thành phố của Mỹ, ví dụ như cố tình đụng chạm, gạ gẫm tình dục hoặc có những bình luận khiếm nhã đối với các nạn nhân.
Câu chuyện không mới
Cụ thể, sẽ có 3 vụ kiện mới mà hai trong số đó bắt nguồn từ những người lao động trước đây từng gửi đơn khiếu nại lên Ủy ban Cơ hội việc làm bình đẳng của Mỹ (EEOC). Các vụ việc lần này do Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU), Tổ chức lao động Fight for $15, và Quỹ Đấu tranh Pháp lý Time’s Up đứng sau khởi xướng.
Đây không phải lần đầu McDonald’s vướng vào những rắc rối liên quan đến hành vi quấy rối tình dục diễn ra tại các cơ sở của mình. Chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, McDonald’s đã phải đối mặt với hơn 50 cáo buộc và vụ kiện như vậy.
Tháng 9 năm ngoái, người lao động của McDonald’s tại 10 thành phố lớn của Mỹ đã tổ chức một cuộc đình công kéo dài 1 ngày để phản đối nạn quấy rối tình dục, vốn diễn ra rất “thâm cung bí sử” tại các cửa hàng của hãng.
Trước đó, nhiều nhân viên nữ của hãng tại Mỹ đã gửi đơn lên EEOC tố cáo bị xâm hại tình dục và yêu cầu công ty thành lập một ủy ban bao gồm cả nhân viên, nhà quản lý và lãnh đạo các nhóm phụ nữ để giải quyết vấn nạn này.
Dù vậy, các vụ việc sau đó không được giải quyết êm xuôi, thậm chí cách hành xử của McDonald’s được cho là còn gây bất mãn lớn hơn cho các nạn nhân.
Đơn cử là trường hợp của Jamelia Fairley - một bà mẹ đơn thân làm việc tại công ty thuộc sở hữu của McDonald’s ở Sanford, Florida và kiếm được 9,60 USD/ giờ. Fairley đã khiếu nại lên EEOC sau khi bị một đồng nghiệp sờ soạng và gạ gẫm cho đi nhờ xe.
Tuy nhiên, sau đó, thay vì sa thải, McDonald’s lại điều chuyển kẻ quấy rối này và giảm số giờ làm việc của Fairley từ 25 tiếng xuống còn 7 tiếng mỗi tuần. Điều này khiến cho thu nhập của Fairley chỉ còn 67 USD/ tuần, không đủ để nuôi con nhỏ mới 2 tuổi.
Hành vi này của McDonald’s đã hứng đủ “gạch đá” từ công chúng, trong đó có bà Sharyn Tejani - Giám đốc Quỹ Đấu tranh Pháp lý Time’s Up trực thuộc Trung tâm Luật Phụ nữ Quốc gia Mỹ (NWLC) - người phê phán quyết định này là rất phi lý, bởi nó truyền đi thông điệp phải chịu đựng sự quấy rối tại nơi làm việc để kiếm sống. Bà cũng lên án tình trạng xâm phạm tình dục đã diễn ra từ lâu ở McDonald’s nhưng đến giờ mới được đưa ra ánh sáng.
![]() |
Nhắm vào một thương hiệu phổ biến như McDonald’s bước đi hiệu quả nhằm mở rộng phong trào MeToo |
Trách nhiệm của McDonald đến đâu?
McDonald’s là một trong những thương hiệu dễ nhận biết nhất thế giới, với quy mô và địa bàn hoạt động rất lớn. Tính riêng tại Mỹ, hiện có hơn 14.000 cửa hàng McDonald’s với khoảng 850.000 nhân viên.
Nhắm vào một thương hiệu phổ biến như McDonald’s rõ ràng bước đi hiệu quả nhằm mở rộng phong trào MeToo, vốn xuất phát từ các vụ quấy rối tình dục ở Hollywood, nay muốn lan sang mọi nơi làm việc khác và khiến nhiều người khác biết đến hơn.
Dù vậy, hơn 90% các cửa hàng tại Mỹ là nhượng quyền thương mại và vì thế McDonald’s từ lâu đã khẳng định là mình không chịu trách nhiệm về cách hành xử của nhân viên trong các nhà hàng nhượng quyền.
Tất nhiên, trước những phản ứng gay gắt từ công chúng, Giám đốc điều hành Steve Easterbrook cho biết hãng đã và đang cải thiện và rà soát các chính sách liên quan đến hành vi quấy rối cũng như đào tạo hầu hết các chủ sở hữu nhượng quyền. Trong tương lai, hãng sẽ tăng cường đào tạo nhân viên và thiết lập đường dây nóng cho việc khiếu nại.
Ngoài ra, hãng cũng đã tiến hành tham vấn các chuyên gia để bảo đảm xây dựng môi trường làm việc an toàn cho nhân viên. Có thể thấy, McDonald’s muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng hãng cam kết xây dựng và duy trì một môi trường làm việc đáng tin cậy, nơi nhân viên cảm thấy an toàn, có giá trị và được tôn trọng.
Hải Châu
Nhắm vào một thương hiệu phổ biến như McDonald’s bước đi hiệu quả nhằm mở rộng phong trào MeToo