![]() |
Các hãng hàng không mất 510 tỷ đô la doanh thu vào năm 2020. Ảnh Michał Parzuchowski/Unsplash |
Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (Iata) vào năm 2021, lưu lượng hàng không toàn cầu chỉ chiếm từ 33% đến 38% so với năm 2019. Tổ chức tập hợp 290 hãng hàng không trên toàn thế giới này đã dự báo về lưu lượng hàng không năm nay, được tính bằng tổng số lượng khách vận chuyển có doanh thu trên các chặng bay nhân với chiều dài các chặng bay đó (RPK), bằng 51% so với trước đại dịch. Nhưng sự xuất hiện của các biến thể mới của coronavirus gây ra Covid-19 đã khiến tình hình trở nên xấu đi khi phải áp dụng các biện pháp mới để hạn chế giao thông và đi lại quốc tế, thay vì ổn định ở mức vào cuối năm 2020.
Brian Pearce, kinh tế trưởng của Iata, cho biết: “Phần đầu năm sẽ yếu hơn so với những gì chúng tôi mong đợi vào tháng 12." Tuy nhiên, tổ chức này kỳ vọng "sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm" khi việc tiêm chủng cho những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất đang tiến triển, mức độ của nó phụ thuộc vào tốc độ mà các chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, ông nói. Nhưng để chờ kết quả cuối năm khách hàng đi lại khả quan hơn, các hãng hàng không sẽ tiếp tục tiêu tốn tiền mặt vì chi phí đang vượt quá doanh thu của họ.
Trong khi Iata ước tính vào tháng 12, các hãng hàng không sẽ "đốt" tổng cộng 48 tỷ đô la tiền mặt (tương đương khoảng 39,5 tỷ euro) trong ba quý đầu tiên trước khi có số dư trong quý cuối, kịch bản này hiện có vẻ "khó xảy ra". Sự suy yếu về giao thông trong nửa đầu năm dự kiến sẽ khiến các công ty "đốt" từ 75 đến 95 tỷ đô la vào năm 2021 (từ 62 đến 78 tỷ euro), tùy thuộc vào tốc độ nối lại giao thông. Theo ông Pearce, ngay cả khi các hãng hàng không có thể cắt giảm chi phí và hưởng lợi từ sự cải thiện của các đường bay nội địa, "lĩnh vực này cũng không tạo ra lợi nhuận trước năm 2022". Năm 2020, năm tồi tệ nhất trong lịch sử giao thông hàng không, các hãng hàng không đã tiêu thụ "hơn 150 tỷ đô la tiền mặt" (124 tỷ euro), theo vị chuyên gia kinh tế trưởng.
Tổng giám đốc của Iata, Alexandre de Juniac khẳng định: “Việc tiêu tốn thêm 75 đến 95 tỷ đô la trong năm nay không phải là điều mà ngành công nghiệp sẽ có thể hỗ trợ nếu không có viện trợ bổ sung từ chính phủ”.
Các hãng hàng không, mất 510 tỷ đô la doanh thu vào năm 2020 (420 tỷ euro), đã nhận được 160 tỷ đô la viện trợ vào năm ngoái để tồn tại qua cuộc khủng hoảng, tương đương hơn 130 tỷ euro.
Thành An