Diễn biến này xảy ra sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - tức ngân hàng trung ương) điều chỉnh tỷ giá trung tâm ở mức 6,9225 NDT/USD - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chịu nhiều sức ép gia tăng do tranh chấp thương mại kéo dài với Mỹ.
Theo nhận định của nhà phân tích tiền tệ cấp cao ngân hàng MUFG (Nhật Bản) - ông Masashi Hashimoto, hệ lụy từ cuộc chiến thương mại thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng lan rộng và việc PBoC điều chỉnh tỷ giá của đồng NDT với USD cho thấy Bắc Kinh muốn tìm cách ngăn chặn đà giảm của đồng NDT, chứ không phải định dùng đồng NDT yếu để đối phó với sức ép thương mại của Washington.
Tình trạng sụt giảm nghiêm trọng cũng diễn ra trên thị trường tài chính châu Á. Chỉ số MSCI Asia Pacific giảm 1,6%, còn MSCI Hong Kong ghi nhận chuỗi lao dốc 9 phiên liên tiếp, khi các cuộc biểu tình tiếp tục nóng lên khiến thành phố rung chuyển.Còn theo chiến lược gia tiền tệ cao cấp Ken Cheung của Mizuho Bank, có vẻ việc Tổng thống Mỹ thông báo sẽ áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho thấy tình trạng đáp trả thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã “quay trở lại” và PBoC nhận thấy không cần thiết phải duy trì đồng NDT ổn định trong ngắn hạn.
Christy Tan - chiến lược gia trưởng mảng thị trường tại National Australia Bank ở Singapore, cho hay: “Giờ đây, ngưỡng 7,0 đã bị phá vỡ cả ở trong và ngoài nước. Đó có thể phần nào thể hiện cho phản ứng của thị trường đối với mức thuế quan mới”.
Thực tế, tâm lý quan ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài đã khiến giới đầu tư tìm kiếm đến kênh đầu tư an toàn khác và điều này đã khiến giá trị đồng yen Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng qua với tỷ giá 106,51 yen/USD.
Việc đồng NDT suy yếu đã khiến một loạt đồng nội tệ các nước khu vực châu Á giảm theo. Cụ thể, đồng won (Hàn Quốc) cũng giảm 1%, gần chạm mức thấp nhất trong 3 năm qua 1.218,3 won/USD.
Lê Minh