Ông Guterres cũng nhấn mạnh, cải cách thể chế là “hòn đá tảng” trong chiến lược của ông tại Liên Hợp Quốc (LHQ).
Đừng để tuột mất miếng bánh
Nhân cuộc phỏng vấn với tờ The Wall Street Journal mới đây, ông Guterres đã gửi một thông điệp tới Tổng thống Donald Trump, rằng Mỹ “có lợi ích” với những đóng góp của mình cho các chương trình và hoạt động của LHQ như gìn giữ hòa bình, biến đổi khí hậu và cứu trợ nhân đạo. Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất cho LHQ với nguồn tiền xấp xỉ 8 tỷ USD mỗi năm.
Vì thế, ông Guterres hy vọng sau quá trình thảo luận và bàn bạc giữa hai bên, Mỹ sẽ tiếp tục thể hiện vai trò của một đối tác lớn và đáng tin cậy của LHQ; nếu nước Mỹ “lỏng tay” thì ngay lập tức sẽ có nước khác chớp lấy cơ hội thế chỗ.
Sở dĩ ông Guterres có những lo ngại như trên là do Tổng thống Mỹ Donald Trump từng úp mở rằng sẽ xem xét lại các cam kết của Mỹ với LHQ; thậm chí trên tài khoản Twitter của mình, ông Trump còn dùng từ “câu lạc bộ” để mô tả về một tổ chức mang tính toàn cầu như vậy. Một dự thảo sắc lệnh hành pháp chờ ông Trump đặt bút ký cũng dự định cắt giảm 40% ngân sách tài trợ của Mỹ cho các tổ chức quốc tế, từ quỹ nhi đồng cho tới chương trình gìn giữ hòa bình của LHQ.
Còn nhớ, chỉ 2 tuần sau khi ông Trump nhận chức, mọi người đã được chứng kiến sự đối đầu giữa người đứng đầu LHQ và Nhà Trắng. Ông Guterres kêu gọi ông Trump hủy bỏ lệnh cấm người tị nạn và khách du lịch từ 7 nước Hồi giáo, bởi chính sách đó không giúp bảo vệ nước Mỹ khỏi khủng bố, mà trái lại, còn gây rối loạn và tạo ra làn sóng phản ứng dữ dội. Tuy nhiên sau đó, ông Guterres quyết định sẽ né tránh không đề cập tới những dòng tweet và bình luận “móc máy” của ông Trump về LHQ nữa, để tránh kích động thêm một cuộc đối đầu.
![]() |
Ông Guterres được biết đến là có sự gắn kết cao giữa Hội đồng Bảo an
và các thành viên
Ông Guterres trở thành Tổng thư ký của LHQ kể từ ngày 1/1/2017, sau quá trình bỏ phiếu mà ông chiếm ưu thế từ đầu đến cuối. Trước đó, với vai trò là thủ tướng Bồ Đào Nha và đứng đầu cơ quan tị nạn của LHQ, ông nổi tiếng trong việc quyết liệt bảo vệ những người tị nạn.
Trong nỗ lực thuyết phục ông Trump duy trì sự hỗ trợ của Mỹ, ông Guterres nhấn mạnh các cuộc đàm phán và thỏa thuận với cường quốc này chính là chìa khóa cho thành công của LHQ. Ông cũng xem công cuộc cải cách thể chế là “hòn đá tảng” trong kế hoạch dài hơi của mình, hướng tới mục tiêu gắn kết 3 trụ cột là sự phát triển của LHQ, nhân quyền và hòa bình an ninh.
Ưu tiên tái cấu trúc
Tổng thư ký LHQ đã thành lập một số ủy ban trực tiếp giải quyết những vấn đề gai góc từng gây tiếng xấu cho LHQ, đơn cử như các báo cáo về bạo lực tình dục của lực lượng gìn giữ hòa bình ở châu Phi, hay chương trình bảo vệ người tố cáo tham nhũng.
Trong lĩnh vực ngoại giao, ông Guterres được biết đến là có sự gắn kết cao với Hội đồng Bảo an và hy vọng sẽ là cầu nối giữa các thành viên Hội đồng để giúp tháo gỡ nhiều nút thắt hiện nay, trong đó có cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn ở Syria.
Một số thành tựu của người tiền nhiệm - ông Ban Ki-moon, vẫn được ông Guterres tiếp nối, trong đó có thỏa thuận khí hậu Paris 2016, hay thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Ông tin rằng dù Mỹ có tham gia hay không thì hiệp ước khí hậu vẫn sẽ được thực hiện, nhất là khi đã có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ khu vực tư nhân.
Đại sứ mới của Mỹ tại LHQ, Nikki Haley, cho rằng việc cải cách tổ chức này, trong đó “khai tử” những chương trình mà bà cho là “lỗi thời” nên là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm tăng hiệu quả hoạt động. Ông Guterres không phản đối, bởi ông cũng tin rằng một LHQ bớt cồng kềnh, chồng chéo và tăng minh bạch sẽ tự khắc thu hút được nguồn lực hỗ trợ từ chính phủ Mỹ.
Hải Châu