Theo như lý giải của ông Kennedy Simanjuntak - Thứ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng Indonesia, thì AIIB - trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), có nhiều phương án tài trợ linh hoạt hơn, như thông qua phương thức đối tác công tư (PPP), so với các định chế đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Ưu tiên số 1
“Nếu cần vốn hỗ trợ, tôi sẽ tìm đến AIIB trước tiên. Nếu chúng tôi tận dụng các kênh đa phương kiểu truyền thống, chúng tôi không thể đạt được mục tiêu của mình”, ông Simanjuntak trả lời như vậy với báo giới.
Dự án dời đô của Indonesia từ Jakarta trên hòn đảo đông dân Java sang tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo được coi là một trong những sự kiện trọng đại bậc nhất của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á kể từ khi giành được độc lập.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo xem đây là một ưu tiên trong nỗ lực giảm bớt tình trạng quá tải và tắc nghẽn giao thông ở Jakarta, đồng thời tạo thêm cú hích cho nền kinh tế đang tăng trưởng khoảng 5% mỗi năm. Nhưng việc tiếp nhận hỗ trợ từ AIIB có thể khiến ông Widodo phải hứng chịu chỉ trích từ phe đối lập.
Trung Quốc là nước đóng góp nhiều nhất trong AIIB. Ngân hàng này được thành lập cách đây 3 năm, với 100 thành viên, bao gồm cả Ấn Độ, Nga, Anh và Australia.
“Nếu chính phủ Indonesia quan tâm đến việc hợp tác với chúng tôi, chúng tôi sẽ rất vui mừng khi được hỗ trợ”, ông Jin Liqun - Chủ tịch AIIB, nói.
![]() |
Thành phố Jakarta hiện quá chật chội không còn chỗ để phát triển nếu không di dời |
Nhỏ nên linh hoạt
Ông Simanjuntak cho biết AIIB có quy mô tương đối nhỏ so với các tổ chức đa phương truyền thống, điều này giúp AIIB linh hoạt và cởi mở hơn với các giải pháp tài trợ mới mẻ, sáng tạo. Các tổ chức đa phương truyền thống xu hướng cho vay trực tiếp với chính phủ, khiến lãnh đạo các nước có thể gặp chỉ trích vì làm gia tăng nợ công, ông nói.
Để giải quyết nút thắt này, Indonesia muốn tận dụng phương thức PPP để tranh thủ vốn của khu vực tư nhân, thay vì khoản vay lớn của ngân hàng. “AIIB linh hoạt hơn. Với các ngân hàng truyền thống, tôi khá lo lắng ... Họ rất chậm”, ông Simanjuntak cho biết thêm.
Winfried Wicklein - Giám đốc quốc gia của ADB tại Indonesia, cho biết tổ chức này sẽ xem xét hỗ trợ cho thủ đô mới nếu Jakarta có yêu cầu. Ông Wicklein cho biết ADB sẽ có thể giúp huy động tài chính khu vực tư nhân, hoặc thông qua cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ tư vấn cho các hợp đồng PPP, cũng như các khoản vay truyền thống.
“ADB rất tích cực trong việc huy động tài chính của khu vực tư nhân cho các dự án cơ sở hạ tầng Indonesia, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng”, ông Wicklein nói.
WB từ chối bình luận vì chưa đánh giá cụ thể dự án chuyển thủ đô của Indonesia.
Nguồn hỗ trợ tài chính từ bên ngoài có vai trò rất quan trọng đối với dự án này do ngân sách của Indonesia chỉ trang trải được 19,2% nhu cầu vốn trong bối cảnh chính phủ chịu áp lực rất lớn về các khoản thu và thâm hụt tài khóa năm 2019 có thể vượt xa mục tiêu ban đầu, theo lời Bộ trưởng Tài chính Indonesia.
Ông Jin cho biết AIIB, đến nay đã cam kết 940 triệu USD cho Indonesia, sẵn sàng bổ sung thêm tới hơn 1 tỷ USD cho Jakarta, bất kể ngân hàng có tham gia vào dự án thủ đô mới hay không.
Indonesia dự kiến thông qua Luật Quy hoạch thủ đô mới trong nửa đầu năm tới để có thể bắt đầu xây dựng vào năm 2021 và dời đô vào năm 2024.
Mật độ dân số của Jakarta hiện là 15.000 người/km2, gấp đôi Singapore, và thành phố hiện không còn chỗ để xây dựng thêm mà không phải di dời hàng nghìn gia đình. Không những vậy, 40% thành phố nằm dưới mực nước biển và nhiều phần đang bị lún 20 cm mỗi năm.
Hải Châu