Trong đợt điều chỉnh giảm dự báo thứ hai chỉ trong vòng 3 tháng, IMF cũng nhìn nhận hai rủi ro chính đối với kinh tế toàn cầu là tình hình kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự kiến và một Brexit không êm ả. Những tác nhân này có thể làm cho xáo trộn trên thị trường tài chính thêm phần tồi tệ.
Đồng loạt giảm triển vọng
IMF dự đoán kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm 2019 và 3,6% vào năm 2020, giảm 0,2 và 0,1% so với dự báo đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái. Đây là lời nhắn nhủ các nhà hoạch định chính sách cần sớm có kế sách trong thời gian tới, khi giai đoạn tăng trưởng đi đến hồi kết.
“Sau 2 năm tăng tiến vững chắc, nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng và nhiều rủi ro đang xuất hiện”, Giám đốc điều hành của IMF - bà Christine Lagarde, chia sẻ nhận định. Bà Lagarde cho rằng điều đó không có nghĩa là suy thoái toàn cầu sắp xảy ra, nhưng nguy cơ sụt giảm mạnh tốc độ tăng trưởng thì chắc chắn là rõ nét hơn.
Việc IMF hạ triển vọng đã phản ánh những tín hiệu kém khả quan ở châu Âu, trong đó cường quốc xuất khẩu Đức bị ảnh hưởng bởi các tiêu chuẩn khí thải nhiên liệu mới đối với xe hơi, còn Italia thì chịu áp lực thị trường do xung đột với Liên minh châu Âu thời gian qua về vấn đề ngân sách.
Tăng trưởng trong khu vực đồng euro được nhận định giảm từ 1,8% trong năm 2018 xuống 1,6% vào năm 2019, thấp hơn 0,3% so với dự báo 3 tháng trước đây, IMF cho biết. Cơ quan này cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 của các nước đang phát triển xuống còn 4,5%, tức là giảm 0,2% so với dự báo trước đó và giảm từ mức 4,7% năm 2018.
IMF lý giải quyết định của mình là do thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đã liên tục vấp phải các sự kiện không thuận lợi từ bên ngoài suốt vài tháng qua trong bối cảnh căng thẳng thương mại, lãi suất tăng ở Mỹ, đồng USD tăng giá, chảy máu vốn đầu tư và giá dầu biến động khó lường.
IMF duy trì dự báo tăng trưởng của Mỹ ở mức 2,5% trong năm nay và 1,8% vào năm 2020, với lý do nhu cầu trong nước tiếp tục tăng mạnh mẽ.
Cơ quan này cũng giữ dự báo tăng trưởng Trung Quốc ở mức 6,2% trong cả năm 2019 và 2020, nhưng cảnh báo các hoạt động kinh tế có thể không suôn sẻ như kỳ vọng nếu căng thẳng thương mại vẫn tiếp diễn, ngay cả khi chính phủ thúc đẩy đầu tư công và tín dụng ngân hàng để tạo cú hích tăng trưởng.
Nguy cơ sụt giảm mạnh tốc độ tăng trưởng là rõ nét |
Trung Quốc tăng chậm nhất 30 năm
“Như hồi năm 2015 - 2016, những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc có thể dẫn đến tình trạng bán tháo đột ngột trên khắp thị trường tài chính và thị trường thương phẩm, gây áp lực cho các đối tác thương mại, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa và các thị trường mới nổi khác”, IMF cho biết.
Báo cáo của IMF được đưa ra chỉ vài giờ sau khi dữ liệu thống kê cho thấy kinh tế Trung Quốc đã hạ nhiệt trong quý IV do nhu cầu nội địa suy giảm và ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại với Mỹ, kéo tăng trưởng 2018 của quốc gia này xuống mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ trở lại đây.
Nước Anh được dự báo tăng trưởng 1,5% trong năm nay, dựa trên giả định lạc quan về một lối thoát sáng sủa khỏi EU, IMF cho biết.
Điểm sáng hiếm hoi trong báo cáo của IMF là Nhật Bản, khi cơ quan này điều chỉnh tăng dự báo 0,2%, lên mức 1,1% trong năm nay, với kỳ vọng chính phủ Nhật chủ động đẩy mạnh đầu tư công sau khi tăng thu ngân sách nhờ chính sách thuế doanh thu mới được ban hành vào tháng 10.
IMF kêu gọi các quốc gia sớm thực hiện cải cách cơ cấu trong khi nền kinh tế toàn cầu vẫn còn đang tăng trưởng tốt, thay vì “nước đến chân mới nhảy”. IMF đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết bất bình đẳng thu nhập và cải cách lĩnh vực tài chính.
Tuy nhiên, khi đà tăng trưởng đã đạt đến đỉnh điểm và rủi ro tăng lên, ở giai đoạn này, các nhà hoạch định chính sách nên tập trung vào các giải pháp ngăn chặn đà sụt giảm.
Hải Châu