IEA cảnh báo rằng trong vòng 30 năm tới, nhu cầu sử dụng điều hòa của người dân và doanh nghiệp có thể làm tăng nhu cầu điện năng toàn cầu tương đương tổng công suất của cả Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản cộng lại, trừ khi chúng ta có những cải tiến sáng tạo giúp tăng hiệu năng của thiết bị làm mát này.
Nhu cầu chỉ tăng, không giảm
Trong một báo cáo vừa công bố hôm 15/5, IEA kêu gọi các quốc gia vận dụng cơ sở pháp lý và chính sách ưu đãi trong nước để khuyến khích việc sử dụng điều hòa một cách hiệu quả và tiết kiệm, tránh gây áp lực quá lớn lên nguồn cung năng lượng và tăng phát thải khí nhà kính.
Ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành của IEA, nhận định đây là một trong những vấn đề đáng chú ý nhất trong chính sách năng lượng quốc tế.
Điều hòa nhiệt độ đã và đang có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống ở những khu vực có khí hậu oi bức, nhưng hiện trạng sử dụng thiết bị này lại phân bố không đồng đều trên toàn thế giới.
Khoảng 90% các ngôi nhà ở Mỹ và Nhật Bản có điều hòa, trong khi ở Indonesia chỉ khoảng 7%, còn Ấn Độ là 5%. Tổng lượng điện năng tiêu thụ chỉ để chạy điều hòa ở Mỹ xấp xỉ toàn bộ nhu cầu sử dụng điện của cả châu Phi.
Tuy nhiên, nhìn chung các nước có khí hậu nóng lại đang đạt tốc độ phát triển nhanh hơn so với những quốc gia có khí hậu mát mẻ hơn mình. Thu nhập của người dân và doanh nghiệp được cải thiện, giúp họ mạnh dạn lắp đặt nhiều điều hòa hơn.
Dân số ngày một già hơn và đô thị hóa diễn ra nhanh hơn cũng góp phần kích cầu sử dụng hệ thống điều hòa. Và, nếu khí hậu trái đất vẫn tiếp tục nóng lên như dự báo của các nhà khoa học, thì nhu cầu đối với điều hòa nhiệt độ sẽ còn tăng thêm nữa.
Theo kịch bản của IEA, số lượng các thiết bị làm mát trên toàn cầu, bao gồm cả điều hòa, quạt và máy hút ẩm dự kiến sẽ tăng từ 3,4 tỷ thiết bị trong năm 2016 lên 8 tỷ thiết bị vào năm 2050.
Khoảng 2 tỷ máy điều hòa không khí mới dự kiến sẽ được lắp đặt tại Trung Quốc và Ấn Độ, cùng với sự gia tăng số lượng đáng kể ở châu Phi, nơi mà mức sử dụng hiện nay vẫn còn thấp.
Kết quả của kịch bản đó là nhu cầu điện năng toàn cầu phục vụ các thiết bị làm mát sẽ tăng gấp 3 lần, từ 2.020 terawatt giờ (TWh) trong năm 2016, lên 6.200 TWh vào năm 2050, với một nửa số tăng đến từ ba quốc gia: Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
90% các ngôi nhà ở Mỹ có điều hòa |
Cần có chính sách đồng bộ
Theo ông Birol, ngoài việc làm tăng nhu cầu năng lượng điện, điều hòa nhiệt độ còn đặt thêm áp lực lên hệ thống lưới điện khi làm tăng tải vào các giờ cao điểm. Điều này cũng là vấn đề đối với năng lượng mặt trời, khi mặt trời đã lặn nhưng nhu cầu sử dụng điều hòa vẫn còn cao vì không khí chưa hết oi bức.
Những thách thức mới đối với lưới điện khiến việc cắt giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động sản xuất điện trở nên khó khăn hơn. Theo kịch bản của IEA, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ các hệ thống làm mát nói riêng sẽ tăng gần gấp đôi, từ 1,1 tỷ tấn trong năm 2016 lên 2,1 tỷ tấn vào năm 2050 - mức tăng tương đương với toàn bộ lượng khí thải của châu Phi hiện nay.
Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn về hiệu năng giữa các hệ thống điều hòa khác nhau. Đây là cơ hội để chúng ta tìm ra các giải pháp khống chế tốc độ tăng tiêu thụ điện bằng cách ứng dụng công nghệ tiên tiến. Hiệu quả sử dụng điều hòa ở Australia và Singapore vào giờ cao điểm đang cao hơn đáng kể so với Mỹ, châu Âu, Mexico và Nam Phi.
Theo IEA, việc sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện năng hơn có thể có tác động mạnh đến nhu cầu năng lượng, giảm mức sử dụng điện của các hệ thống làm mát xuống còn 3.400 TWh vào năm 2050.
Con số này vẫn tăng 68% so với năm 2016, nhưng chỉ bằng 55% so với dự báo ban đầu. Lượng năng lượng tiết kiệm được sẽ tương đương với toàn bộ lượng điện tiêu thụ của EU.
IEA kết luận rằng “một chính sách đồng bộ để kiểm soát nhu cầu năng lượng phục vụ các thiết bị làm mát là rất cần thiết và cấp thiết”.
Cơ quan này còn khuyến cáo các nước nên xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn về năng lượng, dán nhãn thân thiện môi trường và nhiều biện pháp khác để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các thiết bị có hiệu năng cao, tiết kiệm năng lượng.
Hải Châu