Google tuyên bố sẽ kháng cáo, kèm theo lời cảnh báo rằng từ nay Android có thể sẽ không còn được cung cấp miễn phí nữa.
Án phạt đưa ra lần này gần gấp đôi số tiền kỷ lục trước đó là 2,4 tỷ euro mà Google bị yêu cầu phải nộp vào năm ngoái, sau khi dịch vụ tìm kiếm mua sắm trực tuyến của Google được cho là gây khó dễ cho các đối thủ cạnh tranh.
Củng cố vị thế thống trị
Con số 4,34 tỷ euro chỉ tương đương hơn 2 tuần doanh thu của công ty mẹ Google là Alphabet và không ảnh hưởng quá nhiều đến quỹ tiền mặt 102,9 tỷ USD nằm trong két. Nhưng hệ quả của nó là căng thẳng thương mại giữa Brussels và Washington có thể gia tăng.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng vào thứ Tư tuần tới xoay quanh lời cảnh báo của ông Trump về việc đánh thuế bổ sung đối với các sản phẩm xe hơi sản xuất ở Liên minh châu Âu (EU).
Alphabet cho biết khoản 5 tỷ USD tiền đóng phạt sẽ được cắt ra từ lợi nhuận quý II. Trước đó, nhiều chuyên gia phân tích dự đoán trung bình lợi nhuận quý của Alphabet xấp xỉ 6,8 tỷ USD.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics, hệ điều hành Android mà Google cho phép các nhà sản xuất thiết bị sử dụng miễn phí, hiện được cài đặt trên 80% điện thoại thông minh toàn thế giới.
EU cho rằng sai phạm của Google bắt đầu từ năm 2011, trong đó có việc đòi hỏi các hãng sản xuất thiết bị phải cài đặt trước công cụ tìm kiếm Google Search và trình duyệt Chrome cùng với cửa hàng ứng dụng Google Play trên các thiết bị Android, trả tiền để các nhà sản xuất chỉ cài đặt trước Google Search và không cho họ sử dụng hệ điều hành Android của các đối thủ khác.
“Google đã sử dụng Android như một phương tiện để củng cố sự thống trị của công cụ tìm kiếm của mình”, bà Margrethe Vestager - lãnh đạo cơ quan chống độc quyền của EU, trả lời các phóng viên.
Google có 90 ngày để dừng các hoạt động phản cạnh tranh như vậy với các hãng sản xuất điện thoại thông minh và các nhà cung cấp viễn thông, hoặc nộp đơn kháng cáo để gia hạn thêm. Alphabet có nguy cơ bị phạt bổ sung 5% doanh thu ngày trung bình toàn cầu nếu cố tình không tuân thủ.
Các hãng sản xuất điện thoại lớn đang sử dụng hệ điều hành Android như Samsung Electronics, Sony, Lenovo và TCL chưa có bình luận nào về án phạt của EU.
Thất vọng với quyết định mạnh tay của EU, Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai cảnh báo rằng Android có thể sẽ không còn được miễn phí nữa, hoặc Google có thể chuyển sang mô hình phân phối có kiểm soát chặt chẽ mà Apple đang áp dụng.
Đại diện Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cho biết cơ quan này sẽ xem xét kỹ quyết định trên của châu Âu.
![]() |
Án phạt của EU dành cho Google là quá muộn để thay đổi cục diện |
“Mất bò mới lo làm chuồng”
Hiệp hội Thông tin di động toàn cầu (GSMA) hoan nghênh phán quyết của châu Âu và tin rằng dịch vụ do các thành viên của mình phát triển từ giờ sẽ có thể cạnh tranh tốt hơn với các đơn vị cung cấp phần mềm.
Các công cụ tìm kiếm cạnh tranh với Google như Qwant và DuckDuckGo cũng hân hoan có thêm cơ hội tiếp cận các hãng sản xuất thiết bị.
Một cái tên rất đáng chú ý nữa là FairSearch, hồ hởi không kém khi cho rằng phán quyết trên có thể giúp mang lại môi trường cạnh tranh cho các ứng dụng và hệ điều hành trên thiết bị di động.
FairSearch được thành lập bởi các trang tìm kiếm chuyên về mảng du lịch, như Kayak, Expedia và TripAdvisor, sau đó có thêm sự tham gia của các đối thủ của Google như Oracle, Nokia hay Microsoft. Chính FairSearch đã đâm đơn khiếu nại hồi năm 2013 và khiến EU phải vào cuộc điều tra.
Trong khi đó, nhiều ý kiến lại có nhận định rằng án phạt của EU là quá muộn để thay đổi cục diện ngành công nghiệp này, giống như việc “mất bò mới lo làm chuồng”; miễn là Google cung cấp tiện ích tuyệt vời thì người tiêu dùng vẫn sẽ sử dụng những nền tảng của họ.
Hiện vụ kiện thứ ba của EU đối với Google vẫn đang trong quá trình điều tra và có liên quan đến dịch vụ quảng cáo AdSense của Google với cáo buộc không cho người dùng hiển thị quảng cáo tìm kiếm từ các đối thủ cạnh tranh của Google. Google thì một mực phủ nhận điều này.
Hải Châu