Vào lúc 7 giờ 29 phút (giờ Việt Nam) tại thị trường châu Á giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 4,53% lên 65,54 USD/thùng. Tuy nhiên, sau đó giá dầu đã giảm nhẹ trở lại.
Trước đó trong phiên 7/1, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 64 xu Mỹ (hoặc 0,93%) xuống 68,27 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 57 xu Mỹ (0,9%) xuống 62,70 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng khá mạnh trong tuần này do lo ngại xung đột leo thang và khả năng gián đoạn nguồn cung ứng tại Trung Đông sau vụ không kích sân bay Baghdad của Iraq vào ngày 3/1 khiến Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani thiệt mạng.
Điều này làm dấy lên quan ngại về sự “leo thang” xung đột ở Trung Đông và tác động tiềm ẩn đối với các nguồn cung dầu mỏ. Qua đó đẩy giá dầu Brent lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2019, giá dầu WTI tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2019.
Giá dầu tăng mạnh sau vụ Iran phóng tên lửa vào các căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq (Ảnh Internet) |
Giám đốc điều hành của Chevron Corp Michael Wirth cho biết các thị trường dầu mỏ vẫn được cung cấp tốt mặc dù căng thẳng leo thang ở Trung Đông gần đây. Tập đoàn tư vấn Eurasia cho rằng Iran sẽ tập trung tấn công vào các mục tiêu quân sự của Mỹ hơn là các mục tiêu năng lượng.
Ngoài ra, giá dầu cũng được hỗ trợ nhờ sự tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận hạn chế sản lượng nhằm giảm nguồn cung của các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Theo khảo sát của Reuters, các thành viên OPEC đã bơm 29,5 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2019, giảm 50.000 thùng/ngày so với số liệu điều chỉnh của tháng 11/2019.
Trong khi đó, số liệu của Viện Dầu khí Mỹ ngày 7/1 cho thấy dự trữ dầu thô Mỹ trong tuần trước (tính đến ngày 3/1) giảm 5,9 triệu thùng xuống còn 430 triệu thùng. Số liệu chính thức về kho dự trữ dầu thô sẽ được Mỹ công bố trong ngày 8/1.
VT