Các biện pháp trừng phạt là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm kiềm chế các chương trình tên lửa và hạt nhân của Iran và làm giảm ảnh hưởng của Tehran ở Trung Đông.
Lệnh trừng phạt đã được dự báo từ nhiều tháng trước, do vậy tác động không nhiều tới thị trường dầu. Giá chịu áp lực từ các nhà sản xuất lớn, bao gồm Saudi Arabia và Nga, đã tăng sản lượng lên gần mức kỷ lục, trong khi các số liệu kinh tế yếu ở Trung Quốc đã làm dấy lên nghi ngờ về triển vọng nhu cầu dầu thấp.
Ảnh Internet |
Dầu thô Brent kỳ hạn giao sau chốt phiên hôm qua (5/11) tăng 34 cent lên mức 73,17 USD/thùng. Trong khi dầu thô WTI giảm 4 cent xuống còn 63,10 USD/thùng. Giá cả hai loại dầu này đã giảm hơn 15% so với mức cao nhất 4 năm đạt được vào đầu tháng 10/2018.
8 nước/vùng lãnh thổ tạm thời được phép nhập khẩu dầu của Iran là Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp, Ý, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc. Hơn 20 quốc gia đã cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran lên tới 1 triệu thùng/ngày, Ngoại trưởng Mike Pompeo thông tin.
Các quan chức Mỹ cho biết mục đích của các biện pháp trừng phạt cuối cùng là ngăn chặn tất cả xuất khẩu dầu của Iran. Các biện pháp trừng phạt đã khiến Iran mất hàng tỷ USD doanh thu từ dầu kể từ tháng 5/2018, đại diện đặc biệt của Mỹ tại Iran, ông Brian Hook cho biết.
Iran cho biết họ sẽ phá vỡ các lệnh trừng phạt và tiếp tục bán dầu ra nước ngoài.
Sản lượng dầu từ Nga, Mỹ và Saudi Arabia đã tăng trên 33 triệu thùng/ngày lần đầu tiên trong tháng 10, tăng 10 triệu thùng/ngày so với năm 2010.
Vũ Trọng