Dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị G20 mà tờ Financial Times có được kêu gọi các quốc gia “ghi nhận tầm quan trọng của hệ thống thương mại đa phương” và “nỗ lực mở cửa thị trường và bảo đảm một sân chơi bình đẳng”.
Ngôn từ mềm mỏng hơn
Mới chỉ là dự thảo sơ bộ và có thể thay đổi trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Buenos Aires từ ngày 30/11 tới, nhưng có thể cảm nhận được rằng tuyên bố chung có nguy cơ vắng bóng những cam kết chắc nịch tuyên chiến với chủ nghĩa bảo hộ, trong khi đây lại là một nội dung cốt lõi của G20 kể từ khi diễn đàn này ra đời cách đây một thập kỷ, thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lên đến đỉnh điểm.
Sự bỏ qua này có thể giúp tránh tái diễn không khí bất đồng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với các nhà lãnh đạo thế giới khác tại hội nghị G20 năm ngoái ở Đức, cũng như hội nghị G7 tại Canada năm nay. Tâm điểm ở Buenos Aires dự kiến sẽ là căng thẳng thương mại và cuộc gặp quan trọng giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng việc đánh rơi những ngôn từ đanh thép chống bảo hộ trong tuyên bố chung sẽ là một tín hiệu tiêu cực cho tương lai của thương mại toàn cầu.
Ông Trump đã thay đổi chính sách thương mại của Washington kể từ khi nhậm chức vào đầu năm 2017, mạnh tay đánh thuế bổ sung đối với các đồng minh chiến lược từ Canada đến Nhật Bản và Liên minh châu Âu, đồng thời đưa Mỹ vào cuộc đối đầu thương mại với Trung Quốc. Thực tế này tương phản hoàn toàn với nỗ lực của những người tiền nhiệm như Tổng thống George W Bush hay Barack Obama, trong việc thúc đẩy thế giới hướng tới thương mại mở cửa.
Ông Daniel Price - một quan chức G20 dưới thời Tổng thống Bush và hiện đang là giám đốc của công ty tư vấn chính sách Rock Creek Global Advisors, chia sẻ rằng trước kia ông Bush đã nhận thức được chủ nghĩa bảo hộ sẽ cản trở, chứ không làm gia tăng lợi ích của Mỹ.
Tổng thống Mỹ từng dọa sẽ rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu tổ chức này không cải tổ mạnh mẽ. Mặc dù trong dự thảo tuyên bố chung G20 có nhắc đến tầm quan trọng của hệ thống giao dịch đa phương, nhưng ngôn từ rõ ràng là không quyết liệt như trong tuyên bố năm ngoái. Cũng theo nội dung dự thảo thông cáo chung, Bộ trưởng thương mại các nước sẽ “xây dựng đề xuất hành động để bảo đảm rằng WTO tiếp tục thể hiện vai trò”.
![]() |
Tâm điểm ở Buenos Aires dự kiến sẽ là cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình |
IMF và biến đổi khí hậu
Dự thảo tuyên bố chung cũng đề cập đến việc hỗ trợ bổ sung cho IMF, đề phòng trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới. Một vòng gọi vốn sắp tới của IMF sẽ yêu cầu điều chỉnh tỷ trọng quyền biểu quyết của các nước thành viên để thể hiện đúng vị thế của họ trong nền kinh tế toàn cầu và điều này có thể tạo ra tầm ảnh hưởng lớn hơn cho các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc.
Theo một số nguồn tin, dự thảo tuyên bố chung cũng dịu giọng hơn về biến đổi khí hậu so với các phát biểu trước đây, đặc biệt là phần liên quan tới quá trình vận động hành lang của Mỹ và Ả Rập Xê Út. Tài liệu này chỉ đề cập ngắn gọn đến Hiệp định khí hậu Paris 2015, chủ yếu là điều kiện khác nhau của các nước trong việc thực hiện Hiệp định. Dự thảo không kêu gọi tài trợ thêm cho các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu.
Đọc dự thảo 2018, nhiều người lại bâng khuâng về câu chữ “đâu ra đấy” của G20 năm ngoái. Tuyên bố 2017 mạnh mẽ chỉ trích trực diện Mỹ về việc rút khỏi thỏa thuận Paris và tuyên bố “Lãnh đạo các nước thành viên G20 khác khẳng định Hiệp định Paris là không thể đảo ngược”.
Hội nghị thượng định G20 năm nay diễn ra ngay trước hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên Hợp Quốc ở Ba Lan vào ngày 3/12, sự kiện lớn nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Hải Châu