Một số quan chức của nước chủ nhà Argentina, Đức.. cho biết sẽ thể hiện lập trường kiên quyết trong quá trình họp để làm sao G20 kết thúc với một thông điệp mạnh mẽ.
Trong hai ngày 19 và 20/3, Bộ trưởng Tài chính các nước G20 sẽ nhóm họp tại thủ đô Buenos Aires của Argentina. Đại diện nước Mỹ là Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin, người đã có mặt ở đây từ hôm Chủ nhật với trọng trách được cho là bảo vệ đường lối chủ trương về thương mại của Tổng thống Trump trước sự chỉ trích từ các đối tác G20.
Mỹ chính là vấn đề nổi cộm
Việc Mỹ đánh thuế lên tới 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/3) đã khiến các đối tác của nước này nhấp nhổm không yên bởi đó là những dấu hiệu ngày một rõ nét cho thấy ông Trump không chỉ nói suông mà thực sự đang “đánh trực diện” vào hệ thống thương mại dựa trên các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới đã tồn tại hàng chục năm nay để phục vụ lợi ích đơn phương của Mỹ.
Song song với đó, những “lời qua tiếng lại” với Trung Quốc và khả năng đánh thuế cao, hạn chế đầu tư nhằm vào quốc gia đông dân nhất thế giới sau cáo buộc Trung Quốc xâm hại quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ khiến cả thế giới hồi hộp lo lắng về các hành động trả đũa tiếp theo mà hệ quả của nó có thể tác động nghiêm trọng đến thương mại toàn cầu và làm gián đoạn đà tăng trưởng mạnh mẽ nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tuần qua, Reuters đưa tin chính quyền Tổng thống Trump đang cân nhắc đánh thuế hàng năm đối với một số sản phẩm công nghệ thông tin, viễn thông và hàng tiêu dùng của Trung Quốc với tổng trị giá lên tới 60 tỷ USD.
Một số quan chức của G20, bao gồm các Bộ trưởng Tài chính từ nước chủ nhà Argentina và Đức, cho biết họ sẽ thể hiện lập trường kiên quyết trong quá trình họp để làm sao G20 kết thúc với một thông điệp mạnh mẽ, khẳng định “vai trò quan trọng của hệ thống thương mại quốc tế dựa trên các quy tắc”.
Theo nguồn tin của Reuters, dự thảo thông cáo G20 cũng đã có ý trên và còn nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi ghi nhận tầm quan trọng của các hiệp định song phương, khu vực và đa biên theo hướng công khai, minh bạch, toàn diện, phù hợp với WTO và chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực nhằm đảm bảo rằng những hiệp định này sẽ bổ sung cho các thỏa thuận thương mại đa phương”.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là chủ đề “nóng” của hội nghị G20 sắp tới
Bảo vệ các quy tắc WTO
Tuy nhiên, không có gì chắc chắn được rằng bản thông cáo cuối cùng sẽ giữ được những nội dung “nhạy cảm” đó. Còn nhớ, tại cuộc họp G20 đầu tiên của mình ở Đức cách đây một năm, ông Mnuchin đã yêu cầu các nước từ bỏ một nội dung truyền thống là “chống lại mọi hình thức bảo hộ”. Cuối cùng, cụm từ trên được thay thế bằng một cam kết mềm mỏng hơn: “tăng cường sự đóng góp của thương mại vào nền kinh tế.”
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz từng cảnh báo rằng chủ nghĩa bảo hộ có thể làm tổn hại đến triển vọng kinh tế trong tương lai và cho biết Đức sẽ tiếp tục đàm phán để Mỹ nghĩ lại trong việc đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt 3,9% vào năm 2018 và 2019, trong đó tất cả các thành viên G20 đều có tăng trưởng nhanh dần nhờ dòng chảy mạnh mẽ của thương mại và đầu tư.
Tuy nhiên, IMF cũng chỉ ra rằng sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ là một trong những rủi ro chính cản trở tăng trưởng.
“Việc xuất hiện trở lại các hành động đơn phương hạn chế thương mại có thể làm căng thẳng leo thang và thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu, phá vỡ chuỗi cung ứng trên thế giới và ảnh hưởng đến năng suất trong dài hạn”, IMF nhận định.
Trong khi đó, trợ lý của ông Mnuchin tại cuộc họp G20, Thứ trưởng David Malpass, vẫn tiếp tục chỉ trích các chính sách kinh tế của Trung Quốc. Ông Malpass phát biểu trong một diễn đàn của Viện Tài chính Quốc tế ở Buenos Aires rằng các quốc gia đang ngày càng quan ngại về việc Bắc Kinh không đảm bảo được tự do hoá thị trường, phụ thuộc vào trợ cấp của chính phủ và ban hành các chính sách hạn chế đầu tư.
Hải Châu