Chủ tịch FED Jeroma Powell đã công bố kế hoạch trên trong cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 18/7, đồng thời nhấn mạnh đến những rủi ro đối kinh tế Mỹ và thế giới nếu chính sách tăng thuế của Tổng thống Donand Trump đối với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại như Trung Quốc, Liên minh châu Âu... phản tác dụng.
Theo ông Powell, kinh tế Mỹ đang được hỗ trợ tích cực bởi nhiều yếu tố như thị trường việc làm tăng trưởng mạnh khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm qua; tỷ lệ lạm phát gần với mục tiêu 2% đề ra; những nguy cơ đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế dần cân bằng. Ông cho biết Ủy ban thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) tin tưởng cách thức tốt nhất để tiếp tục duy trì những động lực trên là tăng lãi suất.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet) |
Thông báo của ông Powell được công bố một tháng sau khi FED tăng lãi suất cơ bản từ 1,75% lên 2%. Trước đó, tháng 3/2018, FED đã điều chỉnh lãi suất lần đầu tiên trong năm 2018 với mức tăng 0,25% tương tự.
Ông Powell dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý II/2018 vượt mức 2% của quý I/2018 và tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm sâu hơn so với mức 4% ghi nhận trong tháng 6/2018. FED đã tăng lãi suất 7 lần kể từ cuối năm 2015 nhờ vào sự phát triển liên tục của nền kinh tế và tăng trưởng việc làm vững chắc.
Bất chấp những thông tin lạc quan về tình hình kinh tế Mỹ, ông Powell viện dẫn hoạt động thương mại và những tác động của chính sách cắt giảm thuế trong nước của Mỹ có thể thay đổi dự báo của ông về tình hình kinh tế Mỹ.
Ông khẳng định tại thời điểm hiện nay, khó có thể dự đoán chính xác về những tác động của các chính sách thương mại và tài chính thay đổi mà Mỹ đang theo đuổi. Về tác động của chính sách "Nước Mỹ trước tiên" mà Tổng thống Trump theo đuổi đối với kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, ông Powell nhận định nếu cam kết của Chính phủ Mỹ về giảm mức thuế quan đúng chủ đích, đây là một thông tin "tốt" và ngược lại.
Vào cuối phiên giao dịch ngày 17/7, thị trường Phố Wall tại New York đã đảo chiều đi lên sau khi giao dịch khá ảm đạm ở đầu phiên. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lập mức cao kỷ lục mới khi Chủ tịch FED đưa ra nhận định lạc quan về triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,2% lên 25.119,89 điểm, chỉ số S&P 500 tiến 0,4% lên 2.809,55 điểm. Trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,6%, lên mức 7.855,12 điểm, cao hơn khoảng 30 điểm so với mức cao kỷ lục vừa xác lập ngày 13/7.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng ghi điểm nhờ đồng euro yếu đi tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu khu vực. Khép lại phiên này, chỉ số FTSE 100 của nước Anh tăng 0,3% lên 7.626,33 điểm. Trong lúc chỉ số DAX 30 trên sàn giao dịch Frankfurt (Đức) tăng 0,8% lên 12.661,54 điểm. Còn chỉ số CAC 40 ở Paris của Pháp tăng 0,2% lên 5.422,54 điểm.
VT