Nguồn tin giấu tên cho biết các nhân viên thời vụ này không được biết các file các đoạn ghi âm từ đâu mà ra, hay được ghi lại như thế nào, mà chỉ tập trung vào công việc sao chép nó thành dạng văn bản. Những người này nghe đủ thứ chuyện mà người dùng Facebook trao đổi với nhau, đôi khi có cả nội dung tục tĩu, nhưng không biết tại sao Facebook lại cần họ thực hiện công việc sao chép như vậy.
Kiểm tra chất lượng của AI?
Facebook từng thừa nhận có tổ chức sao chép các đoạn ghi âm của người dùng và khẳng định sẽ không làm như vậy nữa, sau khi vấp phải phản ứng của dư luận. “Cũng giống như Apple và Google, chúng tôi đã tạm dừng việc rà soát các đoạn ghi âm hơn một tuần trước”, công ty cho biết hôm 13/8.
Facebook cũng thanh minh rằng chính người dùng đã lựa chọn tính năng chuyển đổi các đoạn hội thoại của họ trên ứng dụng Messenger thành văn bản và đội ngũ cộng tác viên chỉ đang kiểm tra xem trí thông minh nhân tạo của Facebook có chuyển đổi chính xác hay không.
Các công ty công nghệ lớn như Amazon và Apple đã bị chỉ trích rất nhiều vì tự ý thu thập các file âm thanh từ thiết bị của người dùng và để nhân viên xử lý các file đó - một hành động bị cho là xâm phạm quyền riêng tư.
Cách đây 4 tháng, Bloomberg từng đưa tin về việc Amazon thuê hàng nghìn cộng tác viên trên khắp thế giới chỉ chuyên nghe lại các đoạn ghi âm ghi lại câu lệnh của người dùng đối với trợ lý ảo Alexa, với mục tiêu cải thiện chất lượng phần mềm và cách làm đó cũng được áp dụng đối với trợ lý ảo Siri của Apple và Google Assistant của Alphabet. Apple và Google sau đó cho biết đã dừng hoạt động này, trong khi Amazon thông báo sẽ cho phép người dùng tự quyết định xem có muốn các đoạn hội thoại của mình bị sao chép hay không.
Đối với Facebook - “gã khổng lồ” mạng xã hội vừa phải nộp 5 tỷ USD để dàn xếp với Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ sau một cuộc điều tra về công tác bảo mật của mình. Công ty này từ lâu vẫn phủ nhận việc họ thu thập các đoạn ghi âm từ người dùng để gợi ý quảng cáo hoặc ưu tiên hiển thị nội dung trên trang tin của họ.
Trả lời các câu hỏi chất vấn của quốc hội, Facebook khẳng định chỉ truy cập micrô của người dùng nếu được cho phép và nếu khách hàng chủ động sử dụng một tính năng nào đó cần sử dụng tiếng nói (như nhắn tin bằng giọng nói). Tuy nhiên, Facebook không giải thích rõ chuyện gì sẽ xảy ra sau đó với các đoạn ghi âm.
Facebook từng thừa nhận có tổ chức sao chép các đoạn ghi âm của người dùng |
Cộng tác viên cũng băn khoăn
Facebook chưa từng thông báo với người dùng về việc các bên thứ ba có thể xem lại các đoạn ghi âm của họ. Điều đó khiến ngay cả một số cộng tác viên cũng cảm thấy lấn cấn về công việc mà mình đang làm.
Theo nguồn tin của Bloomberg, trong số các đối tác được Facebook thuê để chuyển đổi các đoạn ghi âm của người dùng có TaskUs Inc. Facebook là một trong những khách hàng lớn nhất và quan trọng nhất của TaskUs, nhưng nhân viên của TaskUs không được phép tiết lộ về công việc và thường sử dụng mật mã khi nói về khách hàng.
Facebook cũng sử dụng TaskUs để kiểm duyệt các nội dung không phù hợp, sàng lọc các quảng cáo mang tính chính trị… Khi được hỏi về công việc sao chép các file ghi âm, TaskUs cho biết Facebook đã yêu cầu họ tạm dừng hơn một tuần trước đây.
Chính sách sử dụng dữ liệu của Facebook, sau khi sửa đổi vào năm ngoái theo hướng dễ đọc và dễ hiểu hơn, không đề cập đến các đoạn ghi âm. Tuy nhiên, nó vẫn lấp lửng rằng Facebook sẽ thu thập “nội dung, thông tin liên lạc và các thông tin khác mà bạn cung cấp” khi người dùng “nhắn tin hoặc liên lạc với người khác”.
Facebook cho biết các hệ thống của mình tự động xử lý nội dung và thông tin liên lạc mà người dùng cung cấp để phân tích bối cảnh và ngữ nghĩa bên trong, tức là không hề nhắc đến sự tham gia của con người trong việc sàng lọc nội dung. Trong danh sách các bên thứ ba được Facebook chia sẻ thông tin cũng không thấy nhắc đến đội ngũ công tác viên làm công việc chuyển âm, nhưng vẫn đề cập chung chung đến “các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động của chúng tôi bằng cách phân tích xem các sản phẩm của chúng tôi được sử dụng như thế nào”.
Hải Châu