Nguồn vốn triển khai chương trình này đến từ các quỹ bổ sung của ngân sách Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2021, các khoản vay từ khu vực tư nhân và ngân hàng phát triển.
Bản kế hoạch dài 13 trang không nêu rõ con số dự toán của EU, nhưng theo một nguồn tin riêng, đề xuất này được xây dựng trên cơ sở có sự tham gia của một quỹ 60 tỷ euro, đóng vai trò dự phòng bảo hiểm cho nhà đầu tư nếu các dự án không thành công.
Chính sách bài bản và chính thống
Quỹ này có thể huy động hơn 300 tỷ euro trong giai đoạn 2021 - 2027, bằng cách mời gọi nhà đầu tư tham gia các dự án mà nếu chẳng may có đổ bể thì vẫn được bảo lãnh chi phí.
Mặc dù không phải tất cả nguồn tiền huy động được sẽ chảy đến châu Á, song một khi kế hoạch chiến lược này của EC được chính phủ các nước thành viên EU đồng thuận, thì hoạt động đầu tư kết nối cơ sở hạ tầng liên kết với châu Á sẽ trở thành một chính sách độc lập và chính thống của EU, thay vì tồn tại rời rạc nhỏ lẻ như trước.
Bộ trưởng ngoại giao các nước EU dự kiến sẽ thông qua kế hoạch trên tại một cuộc họp vào ngày 15/10, tức là 3 ngày trước thềm hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo châu Âu và châu Á tại Brussels.
Với quy mô và thái độ nghiêm túc đó, không có gì khó hiểu khi giới quan sát cho rằng EU đang muốn tạo một tiếng vang lớn, đủ sức làm đối trọng với hàng tỷ USD mà Trung Quốc đã “rải” ở khắp nơi trong khuôn khổ sáng kiến “Một vành đai - Một con đường”.
Kể từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã triển khai hàng loạt dự án xây dựng trên hơn 60 quốc gia, để dần hình thành mạng lưới giao thông đường bộ và đường thủy kết nối với Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi.
Trước những xôn xao dư luận về mục đích sâu xa của kế hoạch trên, Giám đốc chính sách đối ngoại EU - bà Federica Mogherini, đã phải sớm lên tiếng đính chính rằng mọi việc không liên quan đến bất kỳ chính sách nào của Trung Quốc.
Lý do đơn giản là vì một mình Trung Quốc không thể đáp ứng được 1,3 nghìn tỷ euro/năm nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ở châu Á và đó là cơ hội cho châu Âu tham gia.
Hơn 300 tỷ euro sẽ được huy động trong giai đoạn 2021 - 2027 |
Ai cũng nghĩ nhưng không nói ra
“Đề xuất của chúng tôi, chính sách và lộ trình của chúng tôi không bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài. Đó không phải là phản ứng của EU với một sáng kiến nào đó ở Bắc Kinh, Washington, Moscow hay Timbuktu”, bà Mogherini phát biểu tại một cuộc họp báo.
Tuy nhiên, có một thực tế lâu nay là giới chức EU thực sự quan ngại đối với chiến thuật đầu tư mà Trung Quốc đang áp dụng: Đó là hào phóng tài trợ dự án cho các quốc gia mà nhu cầu thực tế có thể không cao, hoặc vượt quá khả năng hoàn trả, khiến những nước đó dần trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc vì “sự đã rồi”.
Đơn cử như công trình đường cao tốc do Trung Quốc tài trợ để nối bờ biển Adriatic của Montenegro với quốc gia láng giềng Serbia đã khiến Montenegro chìm vào nợ nần, đến nỗi Quỹ Tiền tệ Quốc tế phải lên tiếng về khả năng cạn vốn thanh toán của Montenegro cho dự án dang dở này.
Sri Lanka thì chào đón quá nhiệt tình dòng tiền đầu tư từ Trung Quốc và không trả được nợ, buộc phải gán nợ bằng việc cho thuê cảng chiến lược Hambantota trong 99 năm.
Ở sân chơi doanh nghiệp, EU cũng thường than phiền rằng các công ty châu Âu phải cạnh tranh rất vất vả với doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc được chống lưng bởi nguồn tài chính dồi dào từ các ngân hàng quốc doanh.
Đó là chưa kể bất lợi muôn hình vạn trạng khi tiến vào thị trường đông dân nhất thế giới qua cánh cửa khép hờ, bất chấp việc Trung Quốc thường mạnh miệng cam kết sẽ cải cách thị trường theo hướng minh bạch và công bằng.
Hải Châu