Theo Viện Ifo, có trụ sở tại Munich, thặng dư tài khoản vãng lai (chênh lệch cán cân thương mại giữa xuất khẩu và nhập khẩu) của Đức có thể đạt gần 300 tỷ USD trong năm nay, chiếm 7,8% tổng sản phẩm quốc nội (xếp trên Nhật Bản và Hà Lan, dự kiến thặng dư lần lượt là 200 và 110 tỷ USD). Con số này chỉ thấp hơn một chút so với mức 7,9% ghi nhận hồi năm 2017.
Liên tục vượt ngưỡng của châu Âu
Kết quả trên vấp phải nhiều chỉ trích từ Mỹ và một số tổ chức kinh tế đa phương - những người cho rằng Berlin nên kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước để tăng nhập khẩu và giảm bớt thặng dư thương mại.
Kể từ năm 2011, thặng dư tài khoản vãng lai của Đức đã liên tục vượt ngưỡng khuyến nghị 6% GDP của Ủy ban châu Âu (EC). EC chính thức xác định sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô ở Đức lần đầu tiên vào năm 2014 và năm nào cũng phải nhắc lại thông điệp này.
EC còn khuyến nghị Đức nên tận dụng thặng dư ngân sách để thúc đẩy đầu tư công trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và giáo dục, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ hơn. IMF cũng đã gửi các đề xuất tương tự cho Berlin.
Cũng theo dự báo của Viện Ifo cho năm 2018, Trung Quốc sẽ không còn là 1 trong 3 nước có thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất nữa, do nhập khẩu rất mạnh nhưng xuất khẩu đã yếu hơn. Trong khi đó, Mỹ được dự đoán sẽ chịu thâm hụt lớn nhất, dưới 420 tỷ USD.
![]() |
Berlin nên kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước |
Nguyên nhân sâu xa
Lý do mà các quan chức Đức thường đưa ra để lập luận cho mức thặng dư cao của mình là xã hội đang già hóa tại Đức thích tiết kiệm hơn mua hàng nhập khẩu.
Theo tờ The Economist, trên thực tế, thặng dư của Đức xuất phát từ một thỏa thuận kéo dài hàng thập kỷ giữa các doanh nghiệp và các công đoàn trong việc kiềm chế mặt bằng lương, để duy trì tính cạnh tranh cho ngành xuất khẩu. Điều này đã hỗ trợ nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Đức có thể nhanh chóng hồi phục sau chiến tranh và chuyển mình từ chỗ "èo uột" sang vị thế hàng đầu châu Âu như hiện nay.
Các công ty Đức nhờ đó có thể đầu tư mà không cần phải lo lắng rằng các công đoàn sẽ đòi hỏi về tăng lương. Nhà nước cũng giữ vai trò quan trọng, thông qua việc tài trợ cho một hệ thống đào tạo nghề rất bài bản.
Nhưng mô hình này không phải là không có tác dụng phụ, khi gây mất cân bằng trong chính nền kinh tế Đức và thương mại toàn cầu. Kiềm chế tiền lương nghĩa là chi tiêu trong nước ít hơn và nhập khẩu ít hơn.
Chi tiêu tiêu dùng tại Đức đã giảm xuống còn 54% GDP, so với 69% ở Mỹ và 65% ở Anh. Các nhà xuất khẩu của Đức không tái đầu tư lợi nhuận của họ tại quê nhà và Đức cũng không phải là trường hợp duy nhất ở châu Âu khi mà Thụy Điển, Thụy Sĩ, Đan Mạch hay Hà Lan cũng đang tạo ra những khoản thặng dư lớn
Việc một nền kinh tế hùng mạnh như Đức liên tục duy trì thặng dư tài khoản vãng lai gần 8% GDP trong nhiều năm đã gây ra căng thẳng đối với hệ thống thương mại toàn cầu. Để nước Đức có thể bù đắp các khoản thặng dư như vậy và duy trì đủ tổng cầu để giữ việc làm, phần còn lại của thế giới phải vay mượn và chi tiêu tùy tiện.
Một số nước, đặc biệt là Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha, phải đối mặt với thâm hụt liên tục, cuối cùng dẫn đến khủng hoảng. Các nước này sau đó đã phải thực thi những biện pháp khắc khổ nhằm giảm thâm hụt thương mại, vốn gặp rất nhiều sự phản đối của người dân, dẫn đến bất ổn chính trị.
Trong giai đoạn lạm phát cao những năm 1970 và 1980, xu hướng tiết kiệm cao của người Đức là một yếu tố giúp kiềm chế giá cả, nhưng giờ lại trở thành một gánh nặng đối với tăng trưởng toàn cầu và một mục tiêu công kích cho những người theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ, mà điển hình là chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Hải Châu