Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan Kung Ming-hsin cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Đài Bắc hôm 14/5, rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào tuần trước sẽ tác động đến việc một số công ty Đài Loan dứt khoát chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Theo ông Kung, sau Đài Loan, Việt Nam và Ấn Độ là hai điểm đến ưa thích tiếp theo của các công ty đồ điện tử.
Việt Nam và Ấn Độ
“Các công ty Đài Loan có thể mang dây chuyền sản xuất các linh kiện quan trọng, có giá trị cao về nước, nhưng dây chuyền lắp ráp và sản xuất hàng loạt sẽ được chuyển đến Đông Nam Á. Các quốc gia Đông Nam Á hiểu rằng họ đang có cơ hội lớn”, ông Kung nói.
Nhiều “ông lớn” công nghệ như Apple hay Dell Technologies từ lâu đã biết tận dụng lực lượng lao động và năng lực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc. Tuy nhiên giờ đây, với rủi ro bị chính quyền Mỹ áp đặt trừng phạt, bị cáo buộc cài gián điệp phần cứng và trước sự vươn lên của các nền kinh tế Đông Nam Á, nhiều doanh nghiệp Đài Loan trong lĩnh vực này buộc phải cân nhắc phương án chuyển dịch một số dây chuyền sản xuất ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trên thực tế, bản thân Đài Loan đang hưởng lợi rất nhiều từ trào lưu “tháo chạy” khỏi Trung Quốc. Kể từ đầu năm, 52 công ty đã cam kết đầu tư khoảng 9 tỷ USD vào quốc đảo này, sau khi chính phủ nỗ lực thuyết phục doanh nghiệp Đài Loan đang đặt cơ sở tại Trung Quốc xem xét hồi hương các hoạt động sản xuất.
Mặc dù trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ không chịu từ bỏ danh xưng “công xưởng sản xuất đồ điện tử của thế giới”, nhưng viễn cảnh đó không phải là không có cơ sở, khi Mỹ và Trung Quốc liên tiếp xảy ra bất đồng chính trị và kinh tế, buộc nhiều công ty phải tìm đường tháo chạy để khỏi bị vạ lây.
Theo ông Kung, điều này sẽ chia tách chuỗi sản xuất toàn cầu từ chỗ tích tụ tập trung ở Trung Quốc sang một hệ thống đa phương với một chuỗi chuyên phục vụ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và một chuỗi khác phục vụ Mỹ và các thị trường ngoài Trung Quốc.
![]() |
Đài Loan - nơi đặt trụ sở của nhiều hãng sản xuất đồ điện tử hàng đầu thế giới |
Không phải chuyện đơn giản
Cũng theo ông Kung, dù thiếu các mối quan hệ ngoại giao chính thức, các quan chức Đài Loan hiện vẫn đang giúp các công ty trong nước đàm phán với chính phủ các nước châu Á về ưu đãi thuế, trợ cấp và phát triển các khu công nghiệp.
Nhưng ông Kung và một số công ty công nghệ lớn nhất Đài Loan chia sẻ mối lo ngại rằng hệ sinh thái sản xuất hàng điện tử Đông Nam Á vẫn còn một chặng đường dài trước khi có thể cạnh tranh được với Trung Quốc.
“Nếu một dòng sản phẩm đang dịch chuyển, toàn bộ chuỗi cung ứng cần phải dịch chuyển theo”, Phó Chủ tịch Quanta Computer C.C. Leung chia sẻ tại một cuộc họp tại Đài Bắc hôm 14/5.
Quanta đã chuyển phần lớn dây chuyền sản xuất bo mạch máy chủ từ Trung Quốc trở lại Đài Loan vào năm ngoái và đang mở rộng các cơ sở ở Mỹ, nhưng giờ đây họ có thể phải đối mặt với mức thuế 25% của Mỹ đối với sản phẩm máy tính xách tay của mình nếu ông Trump hiện thực hóa tuyên bố của mình nhắm tới 300 tỷ USD giá trị hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.
“Hiện nay, trong nội tại chuỗi cung ứng chưa xác định được quốc gia Đông Nam Á nào là môi trường tốt nhất. Nếu các nhà sản xuất hoạt động phân tán ở các quốc gia khác nhau, chi phí vận chuyển sẽ vẫn cao. Tất cả lợi nhuận của chúng tôi lại phải dùng để thuê các công ty logistics và lo liệu thủ tục hải quan”, ông Leung cho hay.
Hải Châu