Trước đó, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế cao hơn đối với một loạt các loại hàng hóa của Mỹ, bao gồm rau quả đông lạnh và khí tự nhiên hóa lỏng, một động thái trả đũa quyết định của Washington hồi tuần trước về việc tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ăn miếng trả miếng tức thì
Văn phòng của Đại diện thương mại Mỹ sau đó còn cho biết sẽ tổ chức một phiên điều trần công khai vào tháng tới, về khả năng tăng thuế lên 25% đối với hàng nhập khẩu trị giá hơn 300 tỷ USD từ Trung Quốc như điện thoại di động và máy tính xách tay, trong khi dược phẩm được “tạm tha”.
Viễn cảnh Mỹ và Trung Quốc bị cuốn trở lại vào cuộc đấu “ăn miếng trả miếng” đã khiến giới đầu tư bất an và dẫn đến một đợt bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán trong tuần qua.
Tổng thống Trump - người luôn coi chủ nghĩa bảo hộ như một phần của chủ trương “Nước Mỹ là trên hết” (America First), cho biết ông sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Tập tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 6 tới. “Có thể điều gì đó sẽ xảy ra. Các bạn biết rồi đấy, chúng tôi sẽ có một cuộc gặp tại G20 ở Nhật Bản và tôi nghĩ nó sẽ có kết quả”, ông Trump úp mở trong bài phát biểu tại Nhà Trắng.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng phát biểu trong một chuyến thăm Nga rằng các cuộc đàm phán Trung - Mỹ không phải là “một chiều” và cần được tiến hành trên cơ sở bình đẳng. “Đoàn đàm phán của cả hai quốc gia đều có khả năng và sự khôn ngoan để giải quyết các yêu cầu hợp lý của nhau và đạt được một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi”, Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết.
Thời gian xét duyệt đợt áp thuế mới theo kế hoạch của Mỹ - bao gồm 3.805 loại hàng hóa - ngắn hơn nhiều so với các lần xét duyệt trước và có khả năng kích hoạt trước thời điểm cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập.
Nông dân Mỹ đang nằm trong số những người bị tác động nhiều nhất bởi cuộc chiến thương mại, với sản lượng đậu nành xuất sang Trung Quốc giảm mạnh và giá hợp đồng tương lai rơi xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ. Ông Trump cho hay chính quyền của ông đã lên kế hoạch hỗ trợ khoảng 15 tỷ USD để giúp nông dân có nông sản bị đánh thuế.
Nông dân là thành phần ủng hộ chính trị quan trọng của đảng Cộng hòa trước thềm cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội năm 2020, song lực lượng này đang ngày càng thất vọng với các cuộc đàm phán thương mại kéo dài, nhưng chưa mang lại hiệu quả.
Hôm thứ Hai (13/5), Trung Quốc tuyên bố đã lên kế hoạch đánh thuế nhập khẩu từ 5% đến 25% đối với 5.140 sản phẩm của Mỹ, với trị giá 60 tỷ USD. Mức thuế mới sẽ có hiệu lực vào ngày 1/6.,
![]() |
Cuộc đàm phán Trung - Mỹ không phải là một chiều |
Quyết bảo vệ lợi ích quốc gia
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết: “Việc điều chỉnh thuế quan bổ sung là đòn đáp trả chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ. Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ quay trở lại đúng quỹ đạo kinh tế và thương mại song phương để đạt được thỏa thuận với Trung Quốc”.
Ngay khi đang diễn ra các cuộc đàm phán vào tuần trước, ông Trump đã tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên 25% từ mức 10%. Động thái này ảnh hưởng đến 5.700 mặt hàng của Trung Quốc.
Các nguồn tin cho biết quá trình đàm phán bị đình trệ sau khi Trung Quốc cố gắng xóa bỏ các cam kết khỏi một dự thảo thỏa thuận về việc luật pháp của nước này sẽ được điều chỉnh liên quan tới bảo vệ sở hữu trí tuệ hay chuyển giao công nghệ.
Bắc Kinh hôm 13/5 tuyên bố sẽ không bao giờ đầu hàng trước sức ép từ bên ngoài. Các phương tiện truyền thông nước này liên tiếp đưa ra những lời bình luận mạnh mẽ, nhắc đi nhắc lại rằng cánh cửa đàm phán luôn để mở, nhưng khẳng định Trung Quốc sẽ bảo vệ lợi ích và danh dự quốc gia.
Tổng thống Trump từng nói rằng ông không vội vàng hoàn tất thỏa thuận với Trung Quốc. Ông một lần nữa bảo vệ động thái tăng thuế của Mỹ và cho rằng không có lý do để người tiêu dùng Mỹ phải trả cho những chi phí đó.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế và chuyên gia trong ngành cho rằng chính các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải chịu các chi phí phát sinh và rồi sẽ lại chuyển chúng sang người tiêu dùng.
Việc áp thuế của Mỹ năm ngoái cũng từng bị Trung Quốc trả đũa bằng thuế suất 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa của Mỹ như đậu nành, thịt bò và thịt lợn và một mức thuế thấp hơn cho một danh mục 60 tỷ USD hàng hóa khác.
Một nghiên cứu của chuyên gia Goldman Sachs chỉ ra rằng có bằng chứng cho thấy chi phí phát sinh do chính sách thuế của Washington đối với Trung Quốc năm ngoái đã rơi vào các doanh nghiệp và hộ gia đình ở Mỹ, với việc giá cả không giảm rõ rệt.
Hải Châu