Tưởng chừng sẽ là khóa móc then chốt, nhưng thương mại và đầu tư bỗng trở thành mắt xích lỏng lẻo nhất, trong bối cảnh Tổng thống Barack Obama không còn nhiều thời gian giằng co với Bắc Kinh trên bàn đàm phán.
Nền tảng biến thành đá tảng
Chuyện hai nước có nhiều quan điểm vênh nhau không phải là mới, nhưng nhờ có những sự kiện thế này mà bức tranh quan hệ Mỹ - Trung hiện lên tương đối hoàn chỉnh và đậm nét. Bất đồng đang tồn tại trong hàng loạt lĩnh vực, từ thuế quan thương mại, chính sách tiền tệ của Trung Quốc, rào cản đầu tư, cho tới vấn đề an ninh mạng.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ - ông Jacob Lew, cho rằng Trung Quốc cố tình đặt ra rào cản pháp lý đối với các doanh nghiệp nước ngoài và yêu cầu nước này sớm cắt giảm sản lượng thép và một số mặt hàng khác vốn đã quá dư thừa, để tránh làm méo mó thị trường toàn cầu và gây ra những tác động tiêu cực.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc - ông Lou Jiwei, phản bác chuyện năng lực dư thừa của Trung Quốc “đã bị thế giới thổi phồng quá mức”. Theo ông Lou Jiwei, vấn đề bắt nguồn từ chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008; và cho dù sự dư thừa có thể tác động tiêu cực, nhưng thực tế là trong ba năm sau đó, Trung Quốc chiếm tới hơn một nửa tăng trưởng kinh tế của thế giới.
Thương mại và đầu tư từ chỗ là nền tảng trong quan hệ Mỹ - Trung cũng đã trở thành hòn đá tảng chắn đường, gây không ít sóng gió cho mối bang giao. Chính quyền ông Obama từng nhiều lần kiện Trung Quốc vi phạm các nguyên tắc thương mại, đồng thời đánh thuế một số mặt hàng như sản phẩm thép cán nguội vốn thường được sử dụng trong các thiết bị và phụ tùng ôtô.
Doanh nghiệp Mỹ khi đầu tư vào Trung Quốc kêu ca không ngớt vì sự tiếp đón có phần kém hiếu khách của nước chủ nhà, khi “bế quan tỏa cảng” nhiều lĩnh vực then chốt và đòi hỏi họ phải chia sẻ công nghệ và thông tin độc quyền với các đối tác Trung Quốc.
Điều này khiến môi trường kinh doanh của Trung Quốc ngày càng trở nên ngột ngạt hơn và rất dễ làm nhà đầu tư nản lòng. Ông Lew kêu gọi Bắc Kinh tăng cường tính minh bạch và sớm loại bỏ những rào cản tiếp cận thị trường.
Các dự án tiết kiệm năng lượng - điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh quan hệ Trung - Mỹ
Sự chen chân của chính trị
Đối thoại chiến lược và kinh tế năm nay là cơ hội đàm phán cuối cùng cho chính quyền ông Obama, khi thời gian tại nhiệm của ông còn lại quá ít để có thể tạo ra bước đột phá.
Kể từ lúc hai chính phủ đồng ý xây dựng một hiệp ước đầu tư song phương vài năm trước đây, quãng đường mà hai bên tiến được là không đáng kể. Trong khi Mỹ hy vọng Trung Quốc rút ngắn danh sách các lĩnh vực không mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài (hiện tại là hơn 40) thì Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc - ông Zhang Xiangcheng, chỉ trả lời chung chung rằng “cần thêm thời gian để xem xét”. Với việc hai tiếng “Trung Quốc” xuất hiện liên tục trong quá trình vận động tranh cử Tổng thống Mỹ, người ta có lý do để tin rằng vị Tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ tiếp nhận di sản mà ông Obama để lại với một thái độ thậm chí còn cứng rắn hơn.
Ở chiều ngược lại, giới chức Trung Quốc lâu nay lại chỉ trích Mỹ và chính phủ các nước khác sử dụng công cụ bảo hộ để bảo vệ thị trường trong nước trước sự xâm nhập của hàng hóa Trung Quốc.
Hy vọng về kết quả tích cực từ cuộc họp cấp cao Mỹ - Trung còn trở nên mờ nhạt bởi những căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, nơi mà Trung quốc đang thách thức cả thế giới, bất chấp mọi lời nhắc nhở của Mỹ, bằng hành động xây đảo nhân tạo và yêu sách đòi chủ quyền phi lý trên biển.
Điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh căng thẳng này là việc Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng, thông qua một quỹ tài chính xanh trị giá 20 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 3 tỷ USD). Ý tưởng này xuất phát từ thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, nhằm thúc đẩy hiệp ước về biến đổi khí hậu tại Paris năm 2015.
Hải Châu