Theo nguồn tin của Bloomberg, ông Pichai không nhận khoản cổ phiếu thưởng năm 2018 vì tự cảm thấy mình đã được công ty trả lương thưởng hậu hĩnh. Con số cụ thể không được tiết lộ.
Những năm gần đây, các công ty công nghệ phải đối mặt với nhiều chỉ trích vì làm trầm trọng thêm một số bất cập trong xã hội, ví dụ như bất bình đẳng thu nhập. Kể từ khi nhậm chức CEO Google năm 2015, ông Pichai đã phải đau đầu với vấn đề này.
Mỗi năm vài trăm triệu USD
Google vốn nổi tiếng là hào phóng trong chính sách lương thưởng để thu hút và giữ chân nhân tài ở các vị trí then chốt. Ban lãnh đạo cấp cao thường nhận thù lao dưới dạng cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng, và ông Pichai là một trong số đó.
Năm 2014, ngay trước khi được thăng chức, ông đã nhận tới 250 triệu USD cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng. Một năm sau, khi chính thức trở thành CEO của Google, 100 triệu USD nữa tiếp tục đổ về, vẫn dưới dạng cổ phiếu. “Cơn đau đầu dễ chịu” này “tái diễn” năm 2016 với giá trị gần 200 triệu USD.
Đó là năm mà công việc CEO ở Google bắt đầu phải lo cả những chuyện chính trị thay vì chỉ đơn thuần là điều hành về kỹ thuật như trước kia. Nhiều nhân viên Google đã tuần hành phản đối kế hoạch nhập cư của Tổng thống Donald Trump vào đầu năm 2016. Chưa đầy một năm sau, kỹ sư James Damore tố công ty “trọng nam khinh nữ” và vụ việc này trở thành một bê bối lan truyền khắp nước Mỹ.
Năm 2018, nhân viên Google kịch liệt phản đối công ty ký một hợp đồng quân sự và thử nghiệm công cụ tìm kiếm có kiểm duyệt ở Trung Quốc. Những tháng cuối năm đó, hàng nghìn nhân viên quyết định bỏ làm sau khi phát hiện công ty vẫn trả thưởng hậu hĩnh cho một số lãnh đạo đang vướng cáo buộc quấy rối tình dục.
Trong một cuộc họp nội bộ công ty hồi đầu năm nay, một nhân viên của Google đã thẳng thắn đặt câu hỏi tại sao ông Pichai lại được trả hàng trăm triệu USD, trong khi một số cấp dưới vẫn phải vật lộn để trang trải cuộc sống ở Thung lũng Silicon.
Nội bộ đã phức tạp, Google còn hứng chịu không ít chỉ trích từ bên ngoài. Công ty này đang phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra chống độc quyền trên khắp thế giới và sự “săm soi” gắt gao ở Mỹ về quy mô hoạt động và quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân của khách hàng. Hai nhà đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin và cựu Giám đốc điều hành Eric Schmidt đều chọn cách rời khỏi hội đồng quản trị.
![]() |
Ông Pichai được trả lương hàng năm 650.000 USD và một số phúc lợi dành cho CEO |
Không muốn cũng phải làm
Ngày 11/12/2018, chỉ hơn 3 năm sau khi nhận công việc CEO, một Pichai già đi trông thấy đã phải ra trước Quốc hội Mỹ để trả lời điều trần về thái độ chính trị của nhân viên công ty, về sự kiểm duyệt và giám sát của Trung Quốc và thậm chí cả một thuyết âm mưu về Hillary Clinton lan truyền trên kênh YouTube của Google.
Matt Sundowan - một cựu giám đốc Google từng nghỉ việc năm 2016, nhận xét “Sundar già đi nhanh quá. Khi bạn có một tỷ khách hàng trên khắp thế giới thì luôn có hàng trăm người không đồng ý với quyết định của bạn. Và, những người này thì lại to mồm”.
Đồng nghiệp, nhân viên nhận xét ông Pichai là người luôn hướng tới sự đồng thuận, tránh xa xung đột. Những nhiệm vụ của CEO Google hiện nay như điều trần trước Quốc hội hay dẹp loạn trong nội bộ, không phải là việc mà ông muốn làm, nhưng không thể không làm.
CEO Pichai đã giúp Google quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng doanh thu, tạo đà cho cổ phiếu Alphabet tăng hơn 50% kể từ khi ông tiếp quản gã khổng lồ internet. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh vẫn chưa được như kỳ vọng của giới đầu tư hay dự báo của các chuyên gia phân tích.
Reputation Institute - một công ty tư vấn về quản lý doanh nghiệp, đã xếp ông Pichai đứng đầu danh sách các CEO nổi tiếng trong năm 2018. Trong bảng xếp hạng năm nay, Pichai đã rơi ra khỏi top 10.
Kể từ lần nhận cổ phiếu thưởng năm 2016, ông Pichai được trả lương hàng năm 650.000 USD và một số phúc lợi dành cho CEO như có vệ sĩ riêng. Tính đến hết phiên giao dịch ngày 28/5, ông có 51.249 cổ phiếu Google chưa thực hiện quyền, trị giá khoảng 58,1 triệu USD.
Hải Châu