Bộ Thương mại Mỹ sẽ cho phép Huawei Technologies mua các mặt hàng sản xuất tại Mỹ để tiếp tục vận hành các hệ thống viễn thông hiện có và cung cấp phần mềm cập nhật cho các thiết bị cầm tay mang thương hiệu Huawei.
Tuy nhiên, hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới này vẫn bị cấm mua các linh kiện và bộ phận máy móc từ Mỹ để sản xuất các sản phẩm mới, cho đến khi được cơ quan chức năng cấp phép trở lại.
Tạo không gian và thời gian thích nghi
Trước đó, chính phủ Mỹ quyết định áp đặt một số hạn chế thương mại với Huawei vì cho rằng doanh nghiệp này tham gia các hoạt động đi ngược lại an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ.
Xuất phát từ tình hình thực tế, Mỹ bất ngờ nới lỏng rào cản trên, nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị khai thác viễn thông đang sử dụng thiết bị của Huawei có thời gian thích nghi và tìm giải pháp thay thế.
“Nó cho phép duy trì hoạt động của điện thoại di động Huawei hiện tại và của các mạng băng thông rộng ở khu vực nông thôn”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho hay.
Quyết định giảm nhẹ này có hiệu lực tới ngày 19/8, dự kiến sẽ làm thay đổi chuỗi cung ứng của Huawei và tạo ra những tác động tức thì, khó lường tới khách hàng của doanh nghiệp này.
Nhà sáng lập Huawei - ông Ren Zhengfei, cho rằng động thái “tạm thời mềm mỏng” của Mỹ không có nhiều ý nghĩa đối với công ty của ông, vì họ đã chuẩn bị cho một kịch bản như vậy.
Ông Zhengfei khẳng định Huawei chỉ có vấn đề với chính phủ Mỹ, chứ không phải với doanh nghiệp Mỹ. Đồng thời, Huawei có khả năng tự sản xuất loại chip mà họ thường mua từ Mỹ, mặc dù điều đó không có nghĩa là họ sẽ ngừng mua sản phẩm chip của Mỹ. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CCTV, ông Zhengfei cho rằng “chính phủ Mỹ đang đánh giá thấp năng lực của chúng tôi”.
Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố sẽ xem xét có nên kéo dài thời gian nới lỏng cho Huawei sau 90 ngày không.
Bộ Thương mại Mỹ ngày 16/5 đã đưa Huawei và 68 tổ chức khác vào “danh sách đen” về xuất khẩu, đồng nghĩa với việc Huawei gần như không thể làm ăn với doanh nghiệp Mỹ mà không có giấy phép - thứ được cho là sẽ rất khó để được Washington chấp thuận ở thời điểm này.
Huawei chỉ có vấn đề với chính phủ, chứ không phải với doanh nghiệp Mỹ |
Doanh nghiệp Mỹ muốn nới lỏng hơn
Chính phủ Mỹ cáo buộc Huawei có hành vi lợi dụng kênh ngân hàng để lách lệnh cấm vận của Mỹ đối với hàng hóa và dịch vụ ở Iran và chuyển tiền ra khỏi lãnh thổ Mỹ thông qua hệ thống ngân hàng quốc tế. Huawei nhiều lần phủ nhận.
Quyết định nới lỏng tạm thời mà Mỹ vừa áp dụng sẽ cho phép Huawei tham gia việc phát triển các tiêu chuẩn cho mạng 5G trong tương lai.
Hôm 20/5, Google đã quyết định ngừng hợp tác với Huawei liên quan tới hoạt động chuyển giao phần cứng, phần mềm và dịch vụ kỹ thuật (ngoại trừ những dịch vụ công khai thông qua mã nguồn mở).
Trong số 70 tỷ USD mà Huawei đã chi cho việc mua linh kiện vào năm 2018, khoảng 11 tỷ USD chảy vào túi các công ty Mỹ như Qualcomm Inc, Intel Corp và Micron Technology Inc.
Một số chuyên gia nhận định việc chính quyền Mỹ không muốn làm gián đoạn các hoạt động mạng hiện nay là hướng đến các nhà cung cấp viễn thông ở châu Âu và các quốc gia khác, nơi thiết bị của Huawei có sự hiện diện rất rộng.
Động thái này cũng có thể hỗ trợ các hãng cung cấp dịch vụ di động tại các khu vực đông dân cư ở Mỹ (như bang Utah và miền đông Oregon) sau khi đã mua nhiều thiết bị mạng từ Huawei trong những năm gần đây.
Ông John Neuffer - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ, tổ chức đại diện cho các nhà thiết kế và sản xuất chip cho biết hiệp hội muốn chính phủ nới lỏng các hạn chế hơn nữa để thúc đẩy các mục tiêu an ninh của Mỹ nhưng không làm suy yếu năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp nội địa.
Theo một báo cáo của Quỹ Sáng tạo và Công nghệ thông tin Mỹ, việc kiểm soát quá ngặt nghèo hoạt động xuất khẩu công nghệ có thể khiến các công ty Mỹ có thể mất tới 56,3 tỷ USD doanh số xuất khẩu trong 5 năm và những cơ hội bị bỏ lỡ đã và đang đe dọa tới 74.000 việc làm.
Hải Châu