Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 314 điểm tương đương 1,2%. S&P 500 mất 1,6% còn Nasdaq giảm 1,7%.
Đối đầu giữa chính phủ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu từ cuối ngày thứ Hai sau khi Bộ Thương mại Mỹ bổ sung thêm 8 doanh nghiệp vào danh sách đen xuất khẩu nâng tổng số doanh nghiệp trong danh sách này lên 28 bởi xét đến việc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền với cộng đồng Hồi giáo thiểu số tại khu vực Tây Bắc Trung Quốc. Phía Mỹ tuyên bố rằng động thái trên không liên quan đến đàm phán thương mại với Bắc Kinh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Geng Shuang, hối thúc Mỹ rút lại động thái chống lại các công ty Trung Quốc: “Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục đưa ra biện pháp cứng rắn và mạnh mẽ nhằm bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc, bảo vệ quyền lợi cũng như an ninh Trung Quốc”.
Căng thẳng thương mại leo thang, chứng khoán Mỹ giảm điểm sâu (Ảnh Internet) |
Ngay sau đó không lâu, sang đến ngày thứ Ba, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ áp dụng hạn chế visa với các quan chức Trung Quốc có liên quan đến vấn đề đối xử tệ với người Hồi giáo tại Tân Cương, động thái khiến cho thị trường tài chính sụt giảm nhanh hơn.
Các cuộc đối thoại cấp cao dự kiến sẽ được nối lại trong ngày thứ Năm, phái đoàn Trung Quốc dẫn đầu bởi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến sẽ gặp với quan chức Mỹ tại Washington.
Chuyên gia quản lý quỹ tại quỹ Natixis Investment Managers, ông Jack Janasiewicz, nhận xét: “Tôi không cho rằng chúng ta sẽ được chứng kiến một thỏa thuận lớn. Kết quả dễ dự báo nhất nhiều khả năng sẽ là những chiến thắng nhỏ kiểu như thỏa thuận cho phép Trung Quốc mua nông sản Mỹ hoặc rút đi các biện pháp thuế quan mà họ tính đưa ra”.
Những tháng gần đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến cho các thị trường tài chính lo lắng bởi thường xuyên đe dọa căng thẳng với Bắc Kinh dù rằng cùng lúc lại phát đi tín hiệu tranh chấp đang hạ nhiệt.
Giám đốc mới của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhắc đến căng thẳng thương mại như yếu tố rủi ro quan trọng nhất đến tăng trưởng của Mỹ.
VT