Các công ty dịch vụ tài chính, với đóng góp khoảng 12% sản lượng kinh tế của Anh và nộp thuế nhiều hơn bất kỳ ngành nghề nào khác, có khả năng sẽ chịu thiệt hại rất nhiều khi Anh rời EU.
Kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu 2007 - 2009, lĩnh vực tài chính của thành phố London mới lại phải đối mặt với nhiều thử thách cam go mang tên Brexit.
Hụt hơi trên đường đua
Lần này không phải những cái “hắt hơi” của hệ thống ngân hàng hay bảo hiểm nữa, mà là viễn cảnh tất cả sẽ rũ áo ra đi. Bởi ở lại đồng nghĩa với việc mất cơ hội tiếp cận Liên minh châu Âu, một khu vực thương mại có quy mô thị trường lớn nhất thế giới.
Theo chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu Z/Yen - bảng xếp hạng 100 thành phố dựa trên các yếu tố như cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động có chất lượng - New York đã vươn lên chiếm vị trí đầu bảng, đẩy London tụt xuống thứ hai, tiếp sau là Hong Kong và Singapore.
London đã bị giảm 8 điểm so với lần khảo sát 6 tháng trước đây - mức giảm lớn nhất trong nhóm các thành phố top đầu. Nhóm chuyên gia tiến hành khảo sát cho rằng điều này phản ánh tâm lý bất ổn xung quanh quá trình nước Anh rời EU, dự kiến hiệu lực chính thức từ 29/3 năm sau.
Trả lời phỏng vấn Reuters, ông Mark Yeandle - nhà đồng sáng lập chỉ số Z/Yen, cho hay: “Ngày rời EU đang đến rất gần rồi mà chúng ta vẫn chưa biết liệu London còn có thể giao dịch với tất cả các trung tâm tài chính khác của châu Âu hay không… Nỗi lo về việc để tuột cơ hội kinh doanh vào tay các trung tâm khác là nguyên nhân của sự giảm điểm và mọi người cảm thấy quan ngại với khả năng cạnh tranh của London”.
Kể từ khi Anh tổ chức bỏ phiếu rời EU năm 2016, một số tập đoàn tài chính lớn trên thế giới đã rục rịch điều chuyển nhân sự từ London sang làm việc tại các quốc gia khác thuộc EU, để không làm gián đoạn những hoạt động có liên quan tới thị trường chung châu Âu.
Các công ty dịch vụ tài chính, với đóng góp khoảng 12% sản lượng kinh tế của Anh và nộp thuế nhiều hơn bất kỳ ngành nghề nào khác, có khả năng sẽ chịu thiệt hại rất nhiều khi Anh rời EU.
Một nghiên cứu của Reuters được công bố đầu năm nay dự báo khoảng 5.000 việc làm sẽ bị rút khỏi London, hoặc tạo mới ở EU từ nay đến tháng 3/2019, do tác động của Brexit.
Lãnh đạo thành phố cũng nhận định rằng khoảng 3.500 - 12.000 việc làm trong ngành tài chính sẽ bị mất đi vì Brexit trong ngắn hạn và sau đó con số có thể tiếp tục tăng lên.
Brexit khiến London tụt lại sau New York |
Brexit quyết định thắng - thua
Nỗi lo của người này đôi khi lại là tin vui của người khác. Theo khảo sát của Z/Yen, các thành phố châu Á đang nổi lên đầy tiềm năng, trong đó Hong Kong chỉ kém London 3 điểm.
Lãnh đạo của không ít doanh nghiệp tại London từng cảnh báo, những “mảnh đất màu mỡ” cạnh tranh nhất với London không phải các trung tâm tài chính châu Âu xung quanh, mà lại đến từ khoảng cách địa lý xa xôi hơn, như New York và Hong Kong.
Bảng xếp hạng Z/ Yen dựa trên kết quả khảo sát của gần 2.500 người làm việc trong ngành tài chính và là một chỉ số hữu ích cập nhật thông tin hai lần mỗi năm về hiệu quả hoạt động và tính hấp dẫn của các trung tâm tài chính trên toàn cầu.
Số lượng các ngân hàng có ý định thành lập mới các công ty con ở EU hậu Brexit đã tăng trong năm qua. Hầu hết những ngân hàng lớn của Mỹ, Anh và Nhật Bản tiết lộ sẽ mở rộng hoạt động tại Frankfurt, Paris hoặc Dublin.
Các trung tâm tài chính khác của châu Âu cũng tăng thứ bậc trong bảng xếp hạng Z/ Yen. Zurich từ vị trí 16 cách đây nửa năm đã leo lên thứ 9, trong khi Frankfurt từ 20 lên 10, còn Amsterdam nhảy 15 bậc (từ 50 lên 35).
Các chuyên gia cho rằng London và New York từ lâu đã ganh đua vị trí dẫn đầu chỉ số và tương lai mờ mịt của Brexit chính là yếu tố quyết định “thắng thua” lần này. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng trung ương Anh (BOE) vẫn tỏ ra lạc quan về tương lai.
“Quan trọng là nước Anh vẫn là một trung tâm tài chính toàn cầu. Có thể một số việc làm sẽ chuyển khi các doanh nghiệp triển khai phương án dự phòng, nhưng tôi cho rằng bức tranh chung vẫn sẽ không có gì thay đổi”, ông Alex Brazier - Giám đốc điều hành phụ trách ổn định tài chính của BOE, nói.
Hải Châu