Boeing cho biết sẽ không sa thải bất kỳ nhân viên nào trong quá trình “treo” dây chuyền sản xuất, mặc dù động thái này có thể tác động mạnh đến chuỗi cung ứng toàn cầu và nền kinh tế Mỹ.
Giải phóng áp lực tiền mặt
Quyết định này được đưa ra bởi hội đồng quản trị Boeing sau 2 ngày họp tại Chicago. Trước đó đã có thông tin về việc Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sẽ không chấp thuận việc cho khai thác 737 MAX trở lại trước năm 2020.
Dòng 737 MAX bị cấm bay kể từ tháng 3 năm nay, sau hai vụ tai nạn trong vòng 5 tháng ở Indonesia và Ethiopia khiến hơn 346 người thiệt mạng và tiêu tốn của hãng sản xuất máy bay hơn 9 tỷ USD cho đến nay.
Hiện tại, Boeing vẫn sản xuất 737 MAX với tiến độ 42 chiếc mỗi tháng và tiếp tục mua linh kiện phụ tùng từ các nhà cung cấp với tốc độ tương đương 52 chiếc mỗi tháng, ngay cả khi việc giao hàng bị đình lại cho đến khi cơ quan quản lý cấp phép cho khai thác thương mại trở lại.
Việc ngừng sản xuất 737 MAX có thể giúp giải phóng áp lực tiền mặt, nhưng lại có nguy cơ gây bất lợi cho Boeing khi quay trở lại bình thường. Lý do là chuỗi cung ứng hiện đang “cháy hàng” do nhu cầu tăng cao kỷ lục, đồng thời những thay đổi đột ngột về tốc độ sản xuất có thể tạo ra những xáo trộn nhất định.
Còn nhớ, vào năm 1997, Boeing tốn kém tới 2,6 tỷ USD chi phí, trong đó có hàng trăm triệu USD chỉ để xử lý tình trạng dư thừa năng lực của nhà máy sau khi phải tạm dừng sản xuất máy bay 737 và 747 do gặp vấn đề ở chuỗi cung ứng.
Các hãng hàng không đang sử dụng hoặc đã đặt hàng máy bay 737 MAX cũng thấp thỏm không yên, cho dù đã điều chỉnh lại lịch trình bay. Southwest Airlines Co - khách hàng “sộp” nhất của dòng 737 MAX, cho biết đã đạt được thỏa thuận với Boeing về việc bồi thường một phần của khoản thất thu ước tính 830 triệu USD năm 2019 do ảnh hưởng từ việc 737 MAX bị cấm bay.
Quyết định dừng sản xuất 737 MAX của Boeing như gáo nước lạnh dội vào các nhà cung cấp với viễn cảnh sụt giảm doanh thu và đội chi phí.
Spirit AeroSystems - hãng sản xuất phụ tùng hàng không, được xem là một trong những nhà cung cấp bị ảnh hưởng nhiều nhất, bởi gần 80% doanh thu của công ty này đến từ các hợp đồng với Boeing. Spirit hiện sản xuất thân máy bay, giá treo, hệ thống thổi ngược, cánh tà và vỏ động cơ cho dòng MAX.
![]() |
Boeing quyết định tạm thời dừng sản xuất dòng máy bay 737 vào tháng 1/2020 |
Nhà cung cấp ngồi trên đống lửa
Cách đây 2 tháng, công ty cho biết sẽ không sản xuất phụ tùng cho 737 MAX với tốc độ hiện nay (tương đương cho 52 chiếc mỗi tháng) trong năm 2020, 2021 và có thể cả năm 2022. Người phát ngôn của Spirit AeroSystems cho biết “Nếu Boeing quyết định thay đổi tốc độ sản xuất dòng MAX và kế hoạch với các nhà cung cấp, thì chúng tôi sẽ phải làm việc với họ để đánh giá tác động đối với Spirit AeroSystems”.
CFM International - liên doanh của General Electric và Safran SA, là nhà cung cấp động cơ lớn nhất cho MAX. Safran từng cảnh báo nếu việc cấm bay 737 MAX kéo dài đến cuối năm thì vòng quay tiền mặt của công ty có thể giảm xuống dưới mức mục tiêu 50 - 55% lãi hoạt động thường xuyên. Trong khi đó, General Electric ước tính tổn thất 1,4 tỷ USD tiền mặt trong năm 2019.
Đối với Senior Plc, Boeing là khách hàng lớn nhất. Senior chế tạo nhiều bộ phận cho MAX như khung máy bay và các ống tích hợp động cơ. Việc Boeing dừng sản xuất MAX sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỷ suất lợi nhuận của công ty trong phân khúc hàng không vũ trụ.
United Technologies Corp - hãng cung cấp hệ thống hạ cánh, điện tử hàng không và chiếu sáng nội thất cho MAX, dự báo thu nhập trên mỗi cổ phiếu năm 2019 bị giảm 10% do MAX bị cấm bay.
Ngoài ra, Honeywell International Inc (sản xuất radar thời tiết và hệ thống hỗ trợ buồng lái), Hexcel Corp (chế tạo vật liệu composite cho khung máy bay và động cơ MAX), Meggitt (cung cấp hệ thống phòng cháy chữa cháy cho động cơ MAX) đều ước tính thu nhập hoặc doanh số sụt giảm từ sự cố của Boeing.
Hải Châu