Qatar là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới nhưng lại nhập khẩu ròng hầu hết mọi thứ.
Quốc gia nhỏ bé nhưng giàu có này đã bị Ả-rập Xê-út và các đồng minh tẩy chay kể từ tháng 6/2017 và buộc phải điều chỉnh lại cơ cấu nền kinh tế từng phụ thuộc rất nhiều vào các quốc gia láng giềng vùng Vịnh.
Cái khó ló cái khôn
Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập cáo buộc Qatar ủng hộ các nhóm khủng bố Hồi giáo. Doha một mực phủ nhận và cho rằng hành động tẩy chay (đóng cửa biên giới đất liền duy nhất và làm gián đoạn các tuyến đường vận tải biển) là xâm phạm chủ quyền của nước này.
Một tháng sau sự kiện đó, Baladna đón nhận những con bò đầu tiên của mình và xây dựng một trang trại bò sữa khổng lồ. Công ty tự hào hiện đang cung cấp hơn một nửa lượng sữa tươi ở Qatar và đang xuất khẩu sang Afghanistan, Yemen, Oman và sắp tới là Libya.
Bị bao vây cô lập, Qatar phải mở thêm các tuyến đường giao thương mới để thay thế các đối tác ở vùng Vịnh đang quay lưng với mình. Cuối năm 2017, Qatar khánh thành một cảng biển với tổng mức đầu tư 7,4 tỷ USD với mục tiêu trở thành một trung tâm vận tải của khu vực.
Giới chức Qatar cho rằng việc mở rộng kinh doanh nhanh chóng của Baladna cho thấy lệnh cấm vận đã khiến nền kinh tế của Qatar trở nên mạnh mẽ hơn. Sản lượng rau của Qatar tăng khoảng 20% kể từ giữa năm 2017 lên khoảng 66.000 tấn mỗi năm và dự kiến sẽ tăng thêm 20.000 - 40.000 tấn trong năm tới khi các trang trại mới chính thức đi vào hoạt động, theo ông Sheikh Faleh Bin Naser Al Thani, đại diện Bộ Môi trường và Đô thị cho hay.
Qatar hiện đã có thể tự cung tự cấp về sữa và thịt gia cầm tươi. Trước năm 2017, nước này chỉ sản xuất được khoảng 20% nhu cầu sữa và 10% nhu cầu thịt.
Mặc dù nền kinh tế Qatar nói chung có nhiều cải thiện tích cực nhưng nhiều lĩnh vực vẫn chưa gượng dậy nổi, trong đó phải kể đến bất động sản và bán lẻ. Các trung tâm mua sắm và khách sạn từng tràn ngập khách du lịch Ả-rập Xê-út và UAE đang trải qua quãng thời gian vắng vẻ như bỏ hoang. Giá bất động sản giảm mạnh trong bối cảnh nguồn cung tăng mạnh để đón đầu World Cup 2022 mà Qatar là nước chủ nhà.
![]() |
Qatar hiện đã có thể tự cung tự cấp về sữa và thịt gia cầm tươi |
Căng thẳng chưa có hồi kết
Tháng Ba vừa rồi, Qatar Airlines báo lỗ năm thứ hai liên tiếp. Không được vào không phận của các quốc gia tẩy chay, hãng hàng không quốc gia Qatar phải thay đổi hàng loạt đường bay, khiến thời gian và chi phí bay bị đội lên.
Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích có chung nhận định, rằng với dân số chỉ hơn 320.000 người và một quỹ đầu tư trị giá 320 tỷ USD, Qatar có đủ nguồn lực để vượt qua lệnh cấm vận.
Trong những tháng đầu của cuộc khủng hoảng, Qatar đã thanh lý gần 3 tỷ USD đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ và rút hơn 40 tỷ USD dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ đồng nội tệ và các ngân hàng trong nước.
Nhờ đó, tình hình tài chính Qatar đã ổn định hơn. Hệ thống ngân hàng đón nhận dòng tiền gửi nước ngoài lấp vào chỗ trống mà tiền Ả-rập Xê-út và UAE để lại. Năm 2018, thị trường chứng khoán Qatar là thị trường tăng trưởng hàng đầu ở khu vực Trung Đông.
Để củng cố năng lực tự cung cấp lương thực, lĩnh vực nông nghiệp cũng được đẩy mạnh tại một trong những vùng khí hậu sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới. Nasser al- Khalaf - Giám đốc điều hành công ty sản xuất nông sản Agrico, cho biết công việc kinh doanh tiến triển thuận lợi hơn hẳn kể từ khi ông thiết kế một hệ thống làm mát giúp trái cây và rau quả phát triển quanh năm.
Trong một nhà kính bằng polycarbon, các hàng cà chua thủy canh chín được làm mát dưới 28oC khi nhiệt độ bên ngoài lên tới 40oC. Ông Khalaf cho biết hệ thống này cho phép ông tăng sản lượng trái cây hơn ba lần và lượng rau thu hoạch mỗi ngày đạt trên 15 tấn.
Ý tưởng nhà kính của ông bắt đầu thu hút các nhà đầu tư vào nông nghiệp, trong khi trước kia ít người ngó ngàng tới.
Hải Châu