QP là công ty quốc doanh của Qatar trong ngành dầu khí. Các hoạt động chính của QP, các công ty con và công ty liên doanh trải dài ở hầu như tất cả các công đoạn của ngành dầu khí, bao gồm thăm dò, sản xuất, kinh doanh dầu thô, khí tự nhiên, sản phẩm tinh chế, nhiên liệu tổng hợp, hóa dầu, phụ gia nhiên liệu, phân bón, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), thép và nhôm...
Tập trung “đánh” LNG
CEO Saad al-Kaabi chia sẻ: Công ty đang tìm kiếm các đối tác nước ngoài cho các dự án nhà máy LNG mới nhằm thực hiện mục tiêu mở rộng trong nước vào giữa năm tới, cho dù đủ khả năng tự thực hiện.
Qatar - một quốc gia nhỏ bé nhưng giàu có, là một trong những nước có ảnh hưởng nhất trong thị trường LNG nhờ sản lượng hàng năm có thể lên tới 77 triệu tấn.
Nắm giữ mỏ khí đốt lớn nhất thế giới, như mỏ North Field hợp tác với Iran, Qatar có kế hoạch mở rộng công suất LNG lên 100 triệu tấn và sẽ thực hiện trước khi thị trường khí đốt trở nên quá hạn hẹp trong đầu thập kỷ tới.
Nước này cũng dự kiến tăng 43% công suất vào năm 2023 - 2024 và sẽ xây dựng thêm 4 nhà máy hóa lỏng khí.
Trong kế hoạch đầu tư hơn 20 tỷ USD vào Mỹ, QP đang nhắm đến nguồn khí đốt và dầu mỏ, “theo cách truyền thống và phi truyền thống”, theo lời ông Kaabi.
Dự kiến cuối năm nay, ông Kaabi sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về khoản đầu tư đó. QP hiện đang nắm cổ phần chi phối của nhà máy LNG Golden Pass ở Texas, trong đó có Exxon và ConocoPhillips với lượng cổ phần nhỏ hơn.
Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 16/12, QP tuyên bố chuẩn bị hợp tác với công ty dầu mỏ Eni của Italia trên 3 mỏ dầu ở Mexico và sẽ bắt đầu sản xuất vào giữa năm 2019, đặt mục tiêu sản lượng khoảng 90.000 thùng mỗi ngày vào năm 2021.
QP còn đang đàm phán với một số công ty dầu mỏ quốc tế về dự án mở rộng LNG tại chính quê hương mình, bao gồm cả Eni. Các đối tác khác đang hoạt động tại Qatar bao gồm Exxon Mobil, Total, hay Royal Dutch Shell.
QP cho biết sẽ dùng tiền túi để triển khai dự án mở rộng hoạt động LNG thay vì đi vay mượn khắp nơi. Đây là một sự thay đổi rất lớn so với cách làm trước đây, khi mà có nhiều thời điểm doanh nghiệp này dùng tín dụng để trang trải tới 70% chi phí dự án.
QP là công ty quốc doanh của Qatar trong ngành dầu khí |
Tự lực cánh sinh
Ông Kaabi thông tin thêm rằng nếu không tìm được đối tác nước ngoài nào phù hợp, QP sẽ tự thực hiện dự án một mình. Hiện tại, mỗi ngày QP bơm 4,8 triệu thùng tương đương dầu và đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 6,5 triệu thùng trong 8 năm tới bằng cách mở rộng kinh doanh ra nước ngoài.
Nếu đặt cạnh hoạt động khai thác và xuất khẩu khí đốt thì vai trò xuất khẩu dầu của Qatar là tương đối nhỏ. Chính vì thế, việc Qatar bất ngờ quyết định rời khỏi OPEC kể từ năm 2019 được cho là mang tính chất chính trị, khi nhằm vào Ả-Rập Xê-út - quốc gia có tiếng nói lớn nhất trong OPEC.
Trước đó, Ả-Rập Xê-út cùng với Các Tiểu vương quốc Ả-Rập Thống nhất, Bahrain và Ai Cập đã đồng loạt tẩy chay chính trị và kinh tế đối với Qatar kể từ tháng 6/2017, với cáo buộc Qatar tài trợ khủng bố, cho dù phía Doha một mực phủ nhận.
Ông Kaabi cho rằng việc Mỹ đề xuất dự luật cấm liên minh sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ (NOPEC), mở đường cho các vụ kiện chống độc quyền đối với OPEC, là một trong những lý do để Qatar “dứt áo ra đi”.
Một số chuyên gia nhận định Qatar dù không có giá trị về mặt sản lượng dầu, nhưng là đối tác tin cậy, nhiệt thành giải quyết nhiều vấn đề trong OPEC. Qatar là cầu nối quan trọng giữa các nước trong liên minh và giữa OPEC với các đối thủ cạnh tranh lớn khác như Nga hay Mỹ.
Đáng chú ý trong năm 2016, khi giá dầu xuống mức thấp kỷ lục khoảng 30 USD/thùng, Qatar khi đó đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của OPEC đã phải thuyết phục các nước trong tổ chức, đặc biệt là Ả-Rập Xê-út lần đầu tiên sau 8 năm nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Đây được xem là bước tiến lớn giúp tái cân bằng thị trường và giảm sản lượng dư thừa.
Hải Châu