Hơn 80% sản lượng điện của Ba Lan hiện nay phải dựa vào trữ lượng than khổng lồ thuộc hàng nhất nhì EU.
Quân bài sau tay áo
Nền kinh tế lớn nhất Đông Âu rõ ràng không dại gì tự dưng ngay lập tức vứt bỏ tất cả để đâm đầu vào điện hạt nhân, vốn cũng nhiều rủi ro mà chi phí lại lớn.
Thay vào đó, nước này thậm chí còn muốn đem kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình, trị giá 6,2 tỷ USD, ra làm quân cờ mặc cả với EU trên bàn đàm phán về những quy định bảo vệ môi trường, thuộc chương trình có tên gọi “Dự án mùa đông”. Ba Lan hy vọng EU sẽ nhân nhượng, cho phép nước này kéo dài thời gian sử dụng loại nguyên liệu không mấy sạch sẽ.
Thứ trưởng Bộ Năng lượng Ba Lan - ông Grzegorz Tobiszowski, cho rằng sẽ tốt hơn nếu không triển khai chương trình “Dự án mùa đông”, nhưng nếu buộc phải có thì nước này muốn giải quyết bằng phương án thỏa hiệp.
Theo đề xuất hiện tại của EU, Ba Lan bị khống chế mức đầu tư cho lĩnh vực khai thác than và đẩy nước này vào thế lúng túng khó xử. Trong tương lai, chính phủ Ba Lan cũng không được hỗ trợ các dự án xây dựng nhà máy điện dự phòng sử dụng nhiên liệu than nữa.
Ba Lan vin vào cớ than đá là nhiên liệu rẻ nhất và nhắc đi nhắc lại rằng việc cắt giảm sử dụng than quá nhanh sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Điều này đi ngược với chủ trương chuyển hướng sang năng lượng tái tạo trong dài hạn của châu Âu nói chung. Ngay như nước láng giềng Đức đã đóng cửa các nhà máy chạy than, hay Vương quốc Anh mới đây đã có những ngày sản xuất điện mà không đốt viên than nào.
Đem dự án nhà máy điện hạt nhân ra đánh đổi là một ý tưởng thực dụng và có thể hiệu quả vì Ba Lan vừa có thêm thời gian chuyển đổi, vừa xoa dịu được những quan chức EU thích nhiên liệu sạch.
Theo ông Piotr Naimski - Thứ trưởng Bộ Năng lượng Ba Lan phụ trách các cơ sở hạ tầng năng lượng trọng yếu, phương án đàm phán cuối cùng sẽ cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi chính thức phê duyệt trong năm 2018, trong đó việc sử dụng “quân bài” nhà máy hạt nhân như thế nào có thể được chốt sớm vào cuối tháng 6 tới, sau khi Bộ Năng lượng tính toán ra giải pháp tài chính khả thi.
Dù dự án điện hạt nhân là một vấn đề lớn do chính phủ tiền nhiệm của Ba Lan để lại và tiếp tục được chính phủ hiện cứu, song đến nay vẫn chỉ là ý tưởng trên giấy.
![]() |
Nhà máy nhiệt điện than CHP ở Warsaw, Ba Lan
Ý tưởng nằm mãi trên giấy
Ba Lan còn chần chừ và loay hoay vì chi phí của nó gấp hơn hai lần so với một nhà máy than thông thường có công suất tương đương, đồng thời lo ngại xích mích với các nhóm lợi ích đầy quyền lực trong ngành than có thể gây ra bất ổn khó lường trước.
Theo lãnh đạo Bộ Năng lượng Ba Lan, ước tính chi phí cho nhà máy điện hạt nhân công suất 1.200 MW lên tới 24 tỷ ZL (tương đương 6,2 tỷ USD), thậm chí dự toán ban đầu là 35 tỷ ZL và mất tới 10 năm để xây dựng. Số tiền đó đủ để xây dựng nhiều nhà máy điện gió ngoài khơi cùng kích cỡ.
Tuy nhiên, nếu nhìn sang một số nước châu chưa nhằm nhò gì. Dự án nhà máy Hinkley Point với hai lò phản ứng của tập đoàn Electricite de France SA, dự kiến xây dựng tại Anh tốn kém tới 18 tỷ bảng Anh (xấp xỉ 23 tỷ USD).
Cách đây 5 năm, khi ý tưởng về một nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được công bố, người dân Ba Lan đã có sự giằng co về quan điểm.
Kết quả thăm dò dư luận cho thấy 32% người được hỏi phản đối việc xây dựng, 30% nói rằng Ba Lan nên tiếp tục chương trình phát triển năng lượng hạt nhân, 28% yêu cầu rà soát kỹ các tiêu chuẩn an toàn, và 10% không có ý kiến gì.
Chính phủ Ba Lan khi đó đặt mục tiêu nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2020.
Hải Châu