Đại gia hàng tiêu dùng này sẽ thông báo tới các đối tác bán lẻ trên khắp Bắc Mỹ về kế hoạch tăng giá sản phẩm trung bình 5% đối với một số thương hiệu phổ thông như Bounty, Charmin và Puffs. Trước đó, P&G đã tăng giá bán Pampers thêm 4%.
Hậu quả của tranh chấp thương mại
Công ty có trụ sở ở Ohio này mua bột giấy từ Canada để sản xuất nhiều loạt mặt hàng gia dụng khác nhau, trong khi Canada lại đang vướng vào tranh chấp thương mại với Mỹ suốt thời gian qua.
Ngoài lý do trên, ban lãnh đạo công ty cũng nhắc đến chi phí vận chuyển hàng hóa đã bị đẩy lên cao do thiếu tài xế xe tải và chi phí năng lượng tăng. P&G cũng đang để ngỏ khả năng tăng giá sản phẩm bên ngoài nước Mỹ và mở rộng danh mục các mặt hàng điều chỉnh giá trong thời gian tới, như mỹ phẩm Old Spice hay kem đánh răng Crest.
Quyết định của P&G là động thái mới nhất cho thấy ngành công nghiệp này đang phải đau đầu như thế nào với biến động chi phí đầu vào.
Trước đó, Coca-Cola đã phải tăng giá vì hàng loạt chi phí cấu phần bị điều chỉnh, từ tiền vận chuyển cho đến tiền nguyên liệu kim loại làm vỏ lon. Nhà sản xuất đồ gia dụng Whirlpool cũng dự kiến tăng giá do ảnh hưởng của thuế thép và nhôm.
Bên cạnh đó, vấn đề của những tập đoàn hàng tiêu dùng như P&G, Unilever hay Colgate - Palmolive còn nằm ở sự cạnh tranh gay gắt từ các trang bán hàng trực tuyến, hay những thương hiệu khác rẻ tiền hơn, khiến lợi nhuận khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh như trước kia.
Điều đó lý giải tại sao P&G cần người tiêu dùng "san sẻ khó khăn" bằng cách chuyển phần chi phí đầu vào gia tăng sang giá bán cho khách hàng, dù hiểu rằng điều này có thể ảnh hưởng đến doanh số. Tất nhiên, mức độ tác động nhiều hay ít còn phụ thuộc vào việc những công ty đối thủ khác điều chỉnh giá của họ như thế nào.
![]() |
Nhiều thương hiệu của P&G đang yếu đi trong tâm thức của người mua hàng |
Bao giờ cho đến ngày xưa
Kết quả kinh doanh của P&G đang trải qua giai đoạn không lấy gì làm khởi sắc, khiến nhà đầu tư phiền lòng và công kích ban lãnh đạo. Đầu tuần vừa rồi, P&G thừa nhận không thể hoàn thành một số mục tiêu doanh thu trong năm nay.
Doanh số bán hàng hữu cơ của P&G chỉ tăng 1%, thấp hơn một nửa so với mục tiêu 2% cách đây 1 năm. Kết quả này càng khiến áp lực gia tăng trong bối cảnh thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi rất nhanh và xuất hiện ngày càng nhiều các thương hiệu phục vụ rất tốt từng phân khúc thị trường ngách, thay vì "đánh" tổng thể như P&G.
Theo kết quả kinh doanh mới nhất, thu nhập ròng từ hoạt động thường xuyên của P&G tính đến cuối năm tài khóa (tháng 6/2018) đã giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 9,86 tỷ USD. Thu nhập ròng pha loãng trên mỗi cổ phiếu trong quý IV đạt 0,72 USD, giảm 12% so với 1 năm trước, do phát sinh chi phí tái cấu trúc và các khoản nợ liên quan.
Giám đốc tài chính Jon Moeller nhận định cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và một số nước, cộng với căng thẳng địa chính trị, áp lực cạnh tranh, chi phí và biến động tiền tệ, có thể tiếp tục tác động tiêu cực đến P&G trong năm tới.
Trong bối cảnh nhiều thương hiệu của P&G đang yếu đi trong tâm thức của người mua hàng thì việc bất đắc dĩ phải tăng giá sẽ khiến khó khăn thêm chồng chất.
Tuy nhiên, với vị thế của mình trên thị trường, P&G không dễ đầu hàng. Ban lãnh đạo công ty dự kiến sẽ thực hiện nhiều quyết sách quan trọng nhằm đưa doanh nghiệp trở lại quỹ đạo tăng trưởng và ứng phó tốt hơn trước những thách thức từ một môi trường kinh doanh ngày càng năng động, đầy đối thủ cạnh tranh.
Chỉ có như vậy, mới hy vọng tìm được làn gió mới lèo lái con thuyền P&G vượt qua giai đoạn chông gai hiện nay.
Hải Châu