Trước đó, chính phủ Ấn Độ đã có thông báo hồi đầu tháng về kế hoạch vay khoảng 700 tỷ rupee thông qua phát hành trái phiếu quốc tế.
Giai đoạn sơ khởi
Theo nguồn tin tin cậy, đại diện chính phủ Ấn Độ đã có những buổi thảo luận với các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng phát triển Đức (KfW Group), Ngân hàng Thế giới (WB) và một số tổ chức của Canada về việc tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ Ấn Độ.
Văn phòng KfW tại Ấn Độ xác nhận thông tin trên, mặc dù trọng tâm chính mới chỉ dừng lại ở hạn mức tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ sản xuất điện mặt trời. KfW cho hay quá trình trao đổi vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi.
Trong khi đó, đại diện của WB tại Ấn Độ cũng thừa nhận các bên mới có những cuộc tiếp xúc đầu tiên và cần nhiều lần tham vấn nữa để nhà băng này định hình được khuôn khổ của kế hoạch hợp tác.
Nguồn tin cho biết chính phủ Ấn Độ dự kiến kêu gọi các tổ chức nước ngoài cung cấp khoản tín dụng 1 nghìn tỷ rupee (tương đương 14,5 tỷ USD) với lý do các ngân hàng trong nước không có khả năng tài trợ đủ vốn cho khu vực doanh nghiệp nhỏ, được đánh giá là có tầm quan trọng rất lớn trong việc tạo việc làm.
“Chúng tôi đang nghiên cứu, chúng tôi đang thảo luận với các đơn vị tài trợ khác nhau nếu có thể làm được gì đó cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, một quan chức chính phủ Ấn Độ cho hay. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về nội dung cũng như thành phần tham gia các cuộc thảo luận thì không được tiết lộ.
Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSME) của Ấn Độ được cho đang thảo luận về đề xuất để Bộ Tài chính phối hợp trực tiếp với các ngân hàng nước ngoài.
Việc đẩy mạnh thu hút các khoản vay nước ngoài diễn ra ngay sau thông báo của chính phủ Ấn Độ hồi đầu tháng này về kế hoạch vay khoảng 700 tỷ rupee thông qua phát hành trái phiếu quốc tế.
Khoảng 63 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Ấn Độ đóng góp hơn 1/4 tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ của đất nước. Khu vực này đang cần một cú hích để sát cánh cùng chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi tái thiết nền kinh tế.
Ấn Độ có khoảng 63 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa |
Giải pháp giảm thiểu rủi ro
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua (5,8%) trong quý I/2019, thấp hơn mục tiêu tối thiểu 8% mà chính phủ đề ra.
Ấy vậy mà nguồn cung tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực đóng góp khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ, lại ngày càng cạn kiệt do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng của hoạt động tài chính ngầm (shadow banking) khiến nhiều ngân hàng lớn phải chật vật duy trì khả năng thanh khoản.
Các ngân hàng quốc doanh là đầu tàu trong ngành ngân hàng mà cũng không thể đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao vì còn mang trên vai gánh nặng hơn 145 tỷ USD nợ xấu.
Thực trạng này đã dẫn đến việc tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ bị siết chặt nghiêm trọng. Họ phải trả lãi hàng năm lên tới 17% đối với các khoản vay từ ngân hàng, còn nếu huy động từ các công ty tài chính phi ngân hàng thì tiền phí thậm chí xấp xỉ 20%.
Một nghiên cứu của chuyên gia Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã chỉ ra tổng nhu cầu tín dụng không được đáp ứng của khối doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ước tính vào khoảng 20 - 25 nghìn tỷ rupee.
Tuy nhiên, việc cho vay đối với đối tượng này được cho là có những rủi ro nhất định vì thông tin doanh nghiệp không đầy đủ và độ chính xác thấp (ví dụ như dòng tiền trong quá khứ…), khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong việc đánh giá rủi ro tín dụng.
Để giảm thiểu rủi ro như vậy cho các ngân hàng nước ngoài, các khoản vay (nếu có) cần được bảo đảm và có sự tham gia của các cơ quan chính phủ như Ngân hàng Phát triển công nghiệp nhỏ Ấn Độ, nguồn tin cho hay.
Hải Châu