Nhằm gây sức ép buộc ban lãnh đạo của Air France và các nghiệp đoàn giải quyết mâu thuẫn trong vấn đề tăng lương, Chính phủ Pháp tuyên bố sẽ không cứu trợ hãng hàng không vốn đang chật vật đối phó với các cuộc đình công này.
Ảnh minh họa |
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hối thúc ban lãnh đạo Air France và các nghiệp đoàn nối lại các cuộc đàm phán, đồng thời cảnh báo Chính phủ sẽ rút cổ phần nếu khoản góp vốn 14% của nhà nước tại Tập đoàn Air France-KLM không được đảm bảo.
Ông Le Maire nêu rõ nếu Air France không nỗ lực tăng khả năng cạnh tranh so với các hãng hàng không khác như Lufthansa của Đức, hãng này sẽ không thể tồn tại.
Mâu thuẫn trong nội bộ Air France-KLM gia tăng khi ngày 4/5 vừa qua, các nhân viên bác bỏ đề xuất tăng 7% lương trong vòng 4 năm, buộc Giám đốc điều hành Jean-Marc Janaillac phải từ chức, làm dấy lên những hoài nghi về khả năng tái cơ cấu tập đoàn này.
Ông Janaillac đã phải chật vật cắt giảm chi phí để cạnh tranh với các đối thủ đến từ vùng Vịnh và các hãng hàng không giá rẻ. Dự kiến, ban lãnh đạo Air France-KLM sẽ công bố một giải pháp nhân sự tạm thời vào ngày 15/5 tới sau khi ông Janaillac từ chức.
Theo các nghiệp đoàn, các nhân viên Air France xứng đáng được trả lương cao hơn sau khi chính sách "thắt lưng buộc bụng" của hãng trong nhiều năm qua đã đem lại kết quả kinh doanh tốt cho hãng.
Kể từ năm 2011, Air France đã ngừng tăng lương cho nhân viên. Ban lãnh đạo hãng khẳng định họ không thể đáp ứng yêu cầu tăng 5,1% lương cho nhân viên trong năm 2018, do điều này sẽ ảnh hưởng đến các nỗ lực tái cơ cấu của hãng.
Các cuộc đình công của nhân viên Air France từ tháng 2 vừa qua ước tính gây thiệt hại 300 triệu Euro (tương đương 359 triệu USD), trong đó chủ yếu tập trung vào các tuyến bay ngắn.
Nguyễn Đức