Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp Fintech Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể và hiện có khoảng 120 công ty/thương hiệu đang hoạt động trong lĩnh vực này, từ thanh toán, quản lý tài sản cho đến blockchain và tiền kỹ thuật số. Trong đó, 35 startup và nền tảng, thanh toán; hơn 20 công ty khởi nghiệp.
Trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending); 17 startup trong lĩnh vực Blockchain/Tiền kỹ thuật số. Ngoài ra, thị trường còn một số phân khúc khác như gọi vốn cộng đồng, nền tảng so sánh, ngân hàng số...
Bên lề Chương trình Fintech Summit 2019 tổ chức chiều 25/9 tại Bộ KH&CN, ông Hàn Ngọc Tuấn Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vietnam Silicon Valley (VSV) đã chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh xung quanh vấn đề này.
|
Ông Hàn Ngọc Tuấn Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vietnam Silicon Valley (VSV) |
Ông có thể cho biết lý do VSV đồng hành với các startup Fintech?
Fintech hiện nay đang là lĩnh vực nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi là một trong những lĩnh vực nếu phát triển sẽ hỗ trợ cho tất cả lĩnh vực khác cùng phát triển vì liên quan đến tài chính, vốn và được ví như mạch máu của nền kinh tế.
Vì vậy, những năm gần đây, Chính phủ hỗ trợ rất nhiều cho lĩnh vực này. Năm 2013, Đề án Vietnam Silicon Valley chính thức được Chính phủ ban hành và Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Đề án 844) nhắm đến đối tượng startup và các nhà đầu tư.
Hiện nay, ở bất kỳ tỉnh thành nào cũng có chương trình riêng hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đặc biệt, gần đây một số tỉnh thành khác ở Việt Nam cũng đang xem xét để triển khai việc sử dụng một phần nguồn vốn của ngân sách địa phương để hỗ trợ các nhà đầu tư tư nhân.
Sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này với các quỹ đầu tư có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
Hiện tại, số lượng các nhà đầu tư tìm kiếm các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech nhiều hơn số lượng startup Fintech đang có ở Việt Nam.
Tuy nhiên, Fintech là lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam nên các quy định văn bản, pháp luật để lĩnh vực này hoạt động vẫn còn chưa hoàn thiện. Có những giới hạn mà nhóm startup không thể tiếp cận tới được, khó có thể xây dựng thông tin, sản phẩm cũng như là xây dựng giải pháp cho mình.
Bên cạnh đó, lĩnh vực này liên quan đến ngành ngân hàng, nên những quy định về hoạt động của các Fintech đang được quản lý rất chặt chẽ.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình xây dựng sandbox để các công ty Fintech phát triển ở trong một cơ chế thí điểm. Tuy nhiên, để các startup phát triển thì cơ chế sandbox cần sớm được áp dụng, khi đó startup mới có thể tiếp cận nguồn thông tin giá trị để đưa vào các hạch toán, xây dựng các giải pháp thực hiện phần mềm của họ.
Fintech Summit 2019 quy tụ được cả những startup nước ngoài, ông có cho rằng VSV đang dần nâng tầm ảnh hưởng của mình ra khu vực và quốc tế, đó cũng là nền tảng để VSV thực hiện kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp giữa doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế?
Việc các startup nước ngoài đăng ký tham gia sự kiện Fintech Summit 2019 là tín hiệu mừng cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Trong khoảng 3-4 năm trở lại đây Chính phủ luôn kêu gọi cần phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, cho các nhà đầu tư có thể đầu tư vào các stratup một cách dễ dàng hơn. Điều đó sẽ tạo hiệu ứng đưa thị trường Việt Nam đến với nhà đầu tư mạo hiểm cũng như là các startup nước ngoài.
Hiện, nền kinh Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế phát triển rất nhanh, bản thân các các nhà đầu tư ở các lĩnh vực khác nhau trên thế giới đều đang muốn làm thế nào để đầu tư vào thị trường Việt Nam. Việc làm thế nào để các startup nước ngoài đến Việt Nam để tham gia các chương trình cũng nằm trong hiệu ứng đó.
Có thể thấy GDP Việt Nam chưa phải là cao, nhưng với tốc độ phát triển hiện tại thì sẽ tăng lên nhanh chóng. Do đó, khi “nhắm” vào thị trường Việt Nam, các startup nước ngoài tin tưởng thị trường Fintech Việt mở cửa hơn, GDP tăng cao hơn sớm, do đó khi doanh nghiệp “đón đầu” được xu hướng này sẽ thành công và chiếm lĩnh được thị trường trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Hoa thực hiện