Ngày 23/10/2017, EU chính thức cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vì chưa đáp ứng quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Sau 2 năm khắc phục, dự kiến tháng 11 tới, Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ quay trở lại Việt Nam kiểm tra lần thứ hai việc khắc phục "thẻ vàng" với hải sản. Để chuẩn bị cho buổi làm việc này, ngày 7/10/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Công văn 7425/BNN-QLCL về việc rà soát, chuẩn bị làm việc với Đoàn kiểm tra của EU về thực hiện khắc phục khuyến cáo liên quan đến IUU.
Sẵn sàng làm việc với Đoàn kiểm tra EC về thẻ vàng thủy sản (Ảnh Internet) |
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thủy sản có nguồn gốc từ khai thác xuất khẩu vào EU chủ động tập trung nguồn lực cập nhật toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật về IUU và nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các đơn vị chức năng thuộc Bộ về việc chấp hành quy định về IUU và xác nhận, chứng nhận IUU trong thời gian vừa qua.
Cùng với đó, khẩn trương rà soát các quy định nội bộ, biện pháp quản lý/giám sát đối với nguồn nguyên liệu trong nước và nguyên liệu nhập khẩu bảo đảm truy xuất nguồn gốc trước, trong và sau khi xuất khẩu sản phẩm vào EU và đáp ứng các quy định về IUU.
Thủ tục, quy trình kiểm soát nội bộ nhằm phân tách các lô nguyên liệu khai thác khác nhau trong quá trình thu mua, bảo quản, đưa vào chế biến; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các lô nguyên liệu nhập khẩu để chế biến xuất khẩu.
Lưu trữ đầy đủ, dễ truy cập và khoa học đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu khai thác đưa vào chế biến theo đúng các quy định IUU của EU và của Việt Nam tại doanh nghiệp.
Sau 2 năm bị rút thẻ vàng, các doanh nghiệp cho rằng, thẻ vàng IUU đã gây ra nhiều tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu hải sản sang EU và kéo theo sau là ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác. Cụ thể, xuất khẩu hải sản sang EU sẽ giảm do khách hàng tại EU e ngại việc bị phạt theo quy định IUU nên sẽ giảm hoặc ngừng mua hàng của Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sau 2 năm EC cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường EU đã bị tác động rõ rệt, giảm 6,5% còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục chững lại trong 8 tháng đầu năm năm 2019 với 251 triệu USD. Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, sau thẻ vàng, thị trường EU đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỷ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%.
Vũ Trọng