Đẩy mạnh ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) nhằm chủ động phòng chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) nhằm chủ động phòng chống sinh vật gây hại cây trồng. |
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, trên 80% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng.
Phấn đấu có 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa, cây cảnh ứng dụng IPHM; 70% diện tích cây ngô ứng dụng IPHM; cây công nghiệp đạt 70% diện tích ứng dụng IPHM ở mỗi tỉnh, qua đó giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật và 30% lượng phân bón hóa học.
Trên 90% số xã thực hiện thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng theo quy định.
Kế hoạch xác định nông dân là nòng cốt (các nhân tố tích cực của các đoàn thể, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp) được đào tạo, tập huấn để có thể trực tiếp thử nghiệm ứng dụng các kỹ thuật IPHM và hướng dẫn người sản xuất cùng ứng dụng.
Xây dựng mô hình ứng dụng IPHM làm cơ sở để nhân rộng ứng dụng IPHM trong thực tế sản xuất, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; tăng cường mở rộng ứng dụng kỹ thuật trong canh tác lúa nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính hướng tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.
Triển khai đồng bộ các hoạt động ứng dụng IPHM từ tỉnh đến huyện, xã; Huy động sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức, các doanh nghiệp, HTX… gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Thy Lê