Cụ thể, nếu năm 2022, công ty này chỉ trúng 40/53 gói thầu, thì con số này vọt lên 173/228 gói thầu trong năm 2023. Đặc biệt, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2024, Y tế Việt Tiến đã thành công với 177 gói thầu, cho thấy sức mạnh và khả năng chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp.
Tăng tốc ngoạn mục với loạt gói thầu y tế
Không chỉ ghi điểm với tỷ lệ trúng thầu cao, Y tế Việt Tiến còn có quy mô hoạt động rộng khắp cả nước. Được thành lập từ năm 1995 với vốn điều lệ đăng ký 50 tỷ đồng, công ty đã mở rộng mạng lưới với 10 chi nhánh tại nhiều tỉnh thành.
Dữ liệu từ web đấu thầu cho thấy, Y tế Việt Tiến đã tham gia 675 gói thầu, trong đó trúng 444 gói, trượt 154 gói, 74 chưa có kết quả, 3 gói đã bị huỷ. Kể từ năm 2023, công ty này trở thành một thế lực đáng gờm trong lĩnh vực thiết bị và vật tư y tế, đạt tỷ lệ trúng thầu cao kỷ lục gấp 4,3 lần so với năm trước. Chỉ tính 10 tháng đầu năm 2024, Y tế Việt Tiến trúng tới 177 gói thầu thiết bị, vật tư y tế. Những con số ấn tượng này không chỉ làm nổi bật sức mạnh tài chính và quy mô vận hành của Y tế Việt Tiến mà còn làm dấy lên những suy ngẫm về bí quyết và chiến lược đấu thầu giúp Y tế Việt Tiến "bứt tốc" mạnh mẽ như vậy.
Các dòng máy siêu âm trên thị trường. |
Trong thời gian gần đây, Y tế Việt Tiến đã liên tiếp ghi dấu ấn khi trúng nhiều gói thầu thiết bị y tế quy mô lớn, khẳng định vị thế của mình trong ngành. Tháng 8 và 9/2024, công ty này tiếp tục thắng thầu tại tỉnh Trà Vinh, mang về hợp đồng trị giá hơn 16 tỷ đồng. Ngày 5/8/2024, Y tế Việt Tiến cùng liên danh Armephaco đã giành được gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống điều trị mắt trị giá khoảng 8,6 tỷ đồng, bao gồm thiết bị công nghệ cao như kính hiển vi phẫu thuật OPMI Lumera I từ Đức và máy đo công suất thủy tinh thể IOLMaster 700, máy phẫu thuật Phaco từ Thụy Sỹ.
Đến ngày 9/10/2024, công ty tiếp tục khẳng định năng lực khi cùng Eco Việt Nam trúng thêm gói thầu thiết bị y tế khác tại Trà Vinh, tổng trị giá gần 8,1 tỷ đồng. Danh mục thiết bị này bao gồm máy tán sỏi ngoài cơ thể HD.ESWL-Vm từ Trung Quốc và hệ thống phẫu thuật nội soi xuất xứ Đức, có tổng chi phí lần lượt hơn 4,2 tỷ và gần 3,8 tỷ đồng.
Trước những thương vụ lớn ở Trà Vinh, Y tế Việt Tiến đã thành công tại nhiều tỉnh thành khác. Tháng 7/2024, công ty cung cấp hệ thống phẫu thuật nội soi tổng quát cho Bệnh viện Nhân Dân Gia Định với hợp đồng hơn 6,7 tỷ đồng. Trước đó, tháng 8/2023, công ty trúng thầu hệ thống CT Scanner 128 dãy đầu thu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, với giá trị lên đến 27 tỷ đồng. Ngày 08/09/2023, trung tâm Y tế huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) cũng phê duyệt cho Y tế Việt Tiến trúng hệ thống phẫu thuật nội soi với tổng giá trị hơn 2,4 tỷ đồng.
Không chỉ dừng lại ở những hợp đồng khủng, Y tế Việt Tiến còn nổi bật với chiến lược đấu thầu hiệu quả, liên tục mở rộng quy mô và danh mục sản phẩm, góp phần định hình xu thế phát triển thiết bị y tế hiện đại tại Việt Nam. Tuy vậy, sự thành công "thần tốc" này cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi về chiến lược và yếu tố "bí quyết" đằng sau các thương vụ trúng thầu giá trị cao của công ty.
Tiêu chí mời thầu: Khi thông số kỹ thuật 'vô tình' trùng khớp với một hãng sản xuất
Ngày 17/08/2023, ông Đỗ Trung Nghĩa, Phó giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bến Tre, đã ký Quyết định số 317/QĐ-BQLXD phê duyệt cho công ty Y tế Việt Tiến trúng “Gói thầu số 1: Mua sắm, lắp đặt thiết bị siêu âm, chuẩn đoán” trị giá hơn 11,1 tỷ đồng. Gói thầu này do Công ty TNHH Tư vấn và Chuyển giao Công nghệ Đại Tín (do bà Nguyễn Lê Diễm Châu, SN 1985, ở Bình Định làm đại diện pháp luật) mời thầu.
Gói thầu này gồm có: 05 máy siêu âm và phụ kiện (3 đầu dò, mã hiệu: LOGIQ P7, hãng sản xuất: GE Ultrasound Korea Ltd./Hàn Quốc), với đơn giá là 1.422.000.000 đồng cho mỗi máy, tổng cộng là 7.110.000.000 đồng; 02 máy siêu âm và phụ kiện (cấu hình 4 đầu dò, mã hiệu: LOGIQ P7, hãng sản xuất: GE Ultrasound Korea Ltd./Hàn Quốc), với đơn giá là 1.624.000.000 đồng cho mỗi máy, tổng cộng là 3.248.000.000 đồng; 03 máy máy siêu âm xách tay (Model: DUS-6000, hãng sản xuất: Advanced Instrumentations, Inc/United States of America), với đơn giá là 270.062.000 đồng cho mỗi máy, tổng cộng là 810.186.000 đồng.
Tuy nhiên, hồ sơ mời thầu gây chú ý khi nhiều thông số kỹ thuật chi tiết dường như chỉ phù hợp với thiết bị của một hãng sản xuất cụ thể.
Các yêu cầu như “Tần số hình ảnh B-Mode 2.0, 3.0, 4.0 MHz” và “Tần số doppler 1.8, 2.1, 3.6 MHz” khiến giới chuyên gia nhận định chỉ có máy của GE mới đáp ứng được. Tương tự, cấu hình máy siêu âm xách tay được cho là chỉ hãng Advanced Instrumentations có thể đáp ứng, với yêu cầu như “Đầu dò Convex tần số 2.5-4.5 MHz” và “Dung lượng Cine-loop 256 khung hình”.
Hiện nay, thị trường máy siêu âm rất đa dạng với các nhóm thiết bị từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu (nhóm 1) gồm các thương hiệu có uy tín như Hitachi Aloka, GE, Philip…, Hàn Quốc (nhóm 2) như Samsung, Ecube, và Trung Quốc (nhóm 3) với các thương hiệu như Mindray, SonoScape. Trong đó, máy nhóm 1 nổi bật với chất lượng hình ảnh và độ bền vượt trội, trong khi nhóm 2 và 3 có mức giá và chất lượng trung bình.
Dù các tiêu chí kỹ thuật có thể do nhu cầu cụ thể của dự án, việc chúng “vô tình” trùng khớp hoàn toàn với cấu hình một hãng dẫn đến câu hỏi về tính cạnh tranh và công bằng trong quá trình đấu thầu. Liệu đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay còn lý do khác? Những thắc mắc này vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, đặt ra yêu cầu minh bạch hơn nữa trong các quy trình đấu thầu thiết bị y tế.
Trần Lân