Theo kết luận Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an, trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, nhiều bị can đã nhận hối lộ hàng chục đến hàng trăm nghìn USD, cùng nhiều quà tặng hạng sang là xe ô tô, đồng hồ đắt tiền.
Nhận quà hối lộ “nhắm mắt” làm ngơ
Trong số 15 bị can bị đề nghị truy tố của vụ án này có nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc Bộ Công Thương như ông Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Trần Duy Đông, cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước và ông Nguyễn Lộc An, Hoàng Anh Tuấn cùng là cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước.
Cựu Phó Vụ Thị trường trong nước Nguyễn Lộc An nhiều lần nhận tiền USD hối lộ cùng một đồng hồ Patek Philippe của Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch Xuyên Việt Oil, từ đó chấp nhận DN này đủ điều kiện làm thương mối đầu mối xăng dầu vào năm 2016, trong khi thực tế thiếu nhiều điều kiện.
Đến tháng 6-2021, giấy phép của Bộ Công Thương cấp cho Công ty Xuyên Việt Oil từ năm 2016 chuẩn bị hết hạn. Do không đủ điều kiện để cấp nên vị nữ Chủ tịch DN này tiếp tục dùng “chiêu thức cũ”, đó là kết nối với ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhờ giúp đỡ. Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã được bà Mai Thị Hồng Hạnh đến tận phòng làm việc để cảm ơn 50.000 USD.
Sau đó, ông Hải đồng ý và giới thiệu bà Hạnh với ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước. Từ đây, 2 lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước là ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng và ông Hoàng Anh Tuấn đã nhận tiền hối lộ hàng trăm nghìn USD của bà Hạnh để “nhắm mắt” xác nhận DN này cơ bản đáp ứng điều kiện để cấp lại giấy phép xăng dầu.
Tặng đồng hồ xa xỉ Patel Philippe là một trong những chiêu thức để Xuyên Việt Oil hối lộ quan chức. Ảnh: Minh họa |
Xuyên Việt Oil khi đưa hối hộ đều nhằm mục đích để các vị quan chức này “nhắm mắt” cho qua những sai phạm, đồng thời hợp thức hóa hồ sơ giúp DN tiếp tục duy trì giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu.
Cũng theo kết luận, quá trình điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Xuyên Việt Oil, bị can Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch Xuyên Việt Oil vi phạm trong việc quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu và nhiệm vụ thu hộ, chuyển nộp tiền thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách nhà nước gây thiệt hại tổng cộng 1.463 tỉ đồng.
Hạnh chỉ đạo nhân viên chuyển tiền Quỹ BOG vào tài khoản cá nhân thay vì trích quỹ BOG theo quy định. Số tiền này được bị can dùng mua bất động sản, cho bạn bè vay; chi tiêu cá nhân; chi hối lộ cho một số cá nhân tại Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Cục Thuế TP HCM….
Những sai phạm của bị can Mai Thị Hồng Hạnh được thực hiện trong nhiều năm. Ngoài sai phạm cấp phép, nếu có sự thanh, kiểm tra đúng quy định chắc chắn sẽ không có chuyện DN xài chùa tiền trong quỹ BOG của người dân, thiếu điều kiện vẫn được làm thương nhân đầu mối xăng dầu. Trong khi, hàng năm, Bộ Công Thương đều có kế hoạch thanh, kiểm tra các đầu mối, thương nhân xăng dầu theo định kỳ.
Tiếp tục thanh lọc thị trường xăng dầu
Năm 2024, theo kế hoạch được phê duyệt, Bộ Công Thương kiểm tra 6 DN đầu mối, 10 thương nhân phân phối xăng dầu về việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh. Trong danh sách này có DN đầu mối thuộc hàng top ở khu vực phía Bắc hay còn gọi là “đại gia” xăng dầu của Phú Thọ là Công ty TNHH Hải Linh.
Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, việc kiểm tra DN sẽ giúp thanh lọc thị trường xăng dầu, tạo cạnh tranh lành mạnh. Thực tế, 2 thương nhân phân phối xăng dầu đã chủ động xin trả giấy phép vì tự nhận thấy không đủ điều kiện. Do vậy, năm nay, số thương nhân phân phối xăng dầu thuộc danh sách kiểm tra giảm xuống còn 8 DN.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thông tin hàng năm, Bộ Công Thương vẫn thường xuyên lập kế hoạch kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh của các DN kinh doanh xăng dầu. Bộ Công Thương không thể đi kiểm tra hết được hơn 30 DN đầu mối xăng dầu. Do vậy, chọn khoảng 6 DN mỗi năm để kiểm tra. Như vậy, trong vòng đời giấy phép 5 năm, Bộ sẽ kiểm tra được hết các số lượng các DN đầu mối.
Cùng với Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT, Bộ Công Thương) cũng có nhiệm vụ giám sát việc kinh doanh xăng dầu của các DN một cách thường xuyên. 7 tháng đầu năm 2024, đơn vị này đã triển khai kiểm tra 1.355 vụ; trong đó phát hiện và xử lý vi phạm là 243 vụ. Số tiền nộp ngân sách nhà nước 7 tháng là hơn 8,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử phạt một số thương nhân đầu mối như Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty Cổ phần Appollo Oil, Công ty TNHH Trung Linh Phát. 3 DN này vi phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức bị xử phạt hành chính 85 triệu đồng vì không đáp ứng đủ điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu. Đồng thời, DN này đã bị tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu 45 ngày, từ ngày 6-3 đến hết 21-4 vừa qua.
Năm ngoái, kết luận Thanh tra Chính phủ đã phát hiện DN này vi phạm trong sử dụng Quỹ BOG xăng dầu, kê khai sai thuế bảo vệ môi trường. Từ năm 2018-2021, tổng tiền thuế bảo vệ môi trường của DN này phải nộp tăng thêm gần 3.300 tỉ đồng.
TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng việc kiểm tra, siết chặt hoạt động kinh doanh xăng dầu là cần thiết, bởi đây là ngành kinh doanh có điều kiện. Nếu DN vi phạm, cơ quan quản lý phải có biện pháp xử lý nghiêm.
“Việc kiểm tra sẽ giúp những DN làm ăn chân chính có điều kiện phát triển, chấm dứt tình trạng “tay không” vẫn kinh doanh được xăng dầu như vụ án Xuyên Việt Oil” – ông Long nhấn mạnh.
Còn theo ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, nguồn cung xăng dầu đang được đảm bảo tốt. Do vậy, việc kiểm tra sẽ giúp thị trường minh bạch hơn. Nếu đạt tiêu chuẩn là thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, các DN phải thực hiện đúng điều kiện cấp phép.
Hoàng Trung