Theo báo cáo về Tỷ lệ tái chế và Chi phí tái chế Bao bì Đồ uống năm 2022 của Eunomia, trong khi lon nhôm có tỉ lệ tái chế lên đến 70% bởi giá trị kinh tế cao, thì bao bì thủy tinh chỉ chiếm 15% tỉ lệ tái chế tại Việt Nam.
Cái bắt tay thúc đẩy câu chuyện tái chế chai thủy tinh
Hôm 15 tháng 8, MM Mega Market Việt Nam (MMVN) đã bắt tay với Nhà máy thủy tinh O-I BJC Việt Nam, nhằm triển khai các trạm thu gom rác thải thủy tinh tại các trung tâm MM An Phú (Quận 2), MM Hiệp Phú (Quận 12), và MM Bình Phú (Quận 6) TP. Hồ Chí Minh.
Một trong những lý do thúc đẩy MM Mega Market hợp tác với nhà máy thủy tinh O-I BJC được lãnh đạo doanh nghiệp này kỳ vọng là bước tiến quan trọng, đóng góp tích cực vào kế hoạch của Viện Chiến lược - Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Qua đó, MMVN mong muốn khuyến khích khách hàng chung tay cùng doanh nghiệp, duy trì thói quen phân loại rác thải thủy tinh đúng cách và an toàn trong hoạt động mua sắm và tiêu dùng hằng ngày.
Các trạm thu gom rác thải điện tử, bao bì giấy, chai nhựa, đến lon nhôm được đặt tại trung tâm MM khuyến khích khách mua sắm tham gia vào hoạt động phân loại rác thải. |
Nói với VnBusiness, bà Trần Kim Nga – Giám Đốc Đối Ngoại của MM Mega Market (Việt Nam) cho biết, thủy tinh là một chất liệu trung tính, bền bỉ và có thể tái chế 100%. Với nguồn nguyên liệu từ phế liệu thủy tinh, tiết kiệm được rất nhiều năng lượng so với việc nung chảy từ cát. Nhưng điều đáng buồn là, phần lớn rác thải thủy tinh vẫn chưa được xử lý đúng cách, dẫn đến lãng phí và tăng lượng rác thải ra môi trường.
“Đây là lúc chúng ta cần thay đổi tư duy và hành động. Hãy nghĩ về thế hệ tương lai, những người sẽ thừa hưởng môi trường mà chúng ta để lại và hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như phân loại rác tại nguồn, khuyến khích gia đình, bạn bè và cộng đồng cùng tham gia vào hành trình xanh này”, bà nói.
Có lẽ, cái bắt tay giữa hai đơn vị trên có thể xem là thức thời, nhất là trong bối cảnh mà việc tái chế thủy tinh vẫn chưa được các doanh nghiệp Việt quan tâm thích đáng. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ còn chưa quan tâm thì những doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp FDI đã tiên phong mở lối.
Cũng phải nói thêm, trong Báo cáo tựa đề “Tái chế thủy tinh tại Việt Nam: Thách thức và đề xuất chính sách” do Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á công bố hồi đầu năm nay cũng cho thấy, khối lượng rác thải rắn của nước ta tăng đáng kể, từ 10% - 16% mỗi năm và TP Hồ Chí Minh là nơi tạo ra nhiều nhất. Thành phần chính của rác thải đô thị là rác hữu cơ, chiếm 67% và rác từ thủy tinh chiếm 4% tổng trọng lượng rác thải rắn đô thị.
Báo cáo này cũng chỉ ra chất thải rắn, đặc biệt là rác thải thủy tinh, thường không được phân loại tại nguồn. Chai, lọ thủy tinh không màu chủ yếu được thu gom bởi các công nhân của công ty thu gom rác tư nhân hoặc doanh nghiệp về công ích môi trường đô thị và được bán lại cho vựa ve chai để tăng thêm thu nhập. Một số ít vỏ chai rượu được thu thập lại cho mục đích sưu tầm, trang trí hoặc tái sử dụng vỏ chai.
Doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện trách nhiệm EPR
Theo các chuyên gia, một trong những lý do khiến việc thu gom rác thủy tinh còn chưa được nhiều DN quan tâm là do việc phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải thủy tinh khá tốn kém so với việc nhập khẩu phế liệu thủy tinh. Bên cạnh đó, số lượng và quy mô của các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba trong việc thu gom chất thải thủy tinh cũng còn hạn chế.
Bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, những doanh nghiệp sản xuất đồ uống hay nhà sản xuất thủy tinh đều nhận thức rõ về trách nhiệm bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, bao gồm quản lý rác thải thủy tinh. Việc này đòi hỏi quy định Chính sách mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất (EPR) cần được hướng dẫn và triển khai rõ ràng. Hiện Việt Nam đang tích cực theo đuổi việc cải thiện thu gom và tái chế, một phần thông qua việc áp dụng quy định này.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bên liên quan để góp ý và đề xuất xây dựng những chính sách mang tính khuyến khích tái chế, tái sử dụng và sử dụng vật liệu tái chế cho các sản phẩm và bao bì”, bà Vân Anh nói.
Bà Trần Kim Nga nói thêm: “Chúng tôi hiểu rằng bao bì không chỉ là phương tiện bảo quản sản phẩm, mà còn là nguồn tài nguyên có giá trị nếu được tái chế và tái sử dụng đúng cách. Cam kết của chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc thực hành tái chế mà còn hướng đến việc nâng cao nhận thức của khách hàng về tầm quan trọng của việc này. Kể từ năm 2020, MM Mega Market phối hợp chặt chẽ với các đối tác nỗ lực hoàn thiện mô hình phân loại và tái chế toàn diện. Rác thải sẽ được phân loại ngay tại các trung tâm MM, và sau đó, vận chuyển đến các điểm tái chế khác nhau.”
Trong khi đó, ông Hồ Đức Thông - Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á nói rằng, Việt Nam vẫn còn thiếu hệ thống thu gom rác thủy tinh dẫn đến nhiều chai lọ bị vứt bỏ hoặc xử lý không đúng cách trong môi trường. Các doanh nghiệp cần một khoảng thời gian áp dụng được giãn ra để có sự chuẩn bị và thử nghiệm các mô hình thu gom cũng như tuân thủ EPR.
“Chính phủ cần đưa ra quy định và xác định một ngưỡng yêu cầu tối thiểu về số lượng nguyên liệu đầu vào đến từ vật liệu tái chế. Đồng thời, đặt tiêu chuẩn bao bì thân thiện với môi trường. Theo thời gian, điều chỉnh các quy định EPR, quan trọng là tích hợp các chỉ số bao bì thân thiện với môi trường”, ông Thông nói.
Đức Anh