Theo lộ trình của Nghị định 08/2022/NĐ-CP về trách nhiệm nhà sản xuất/nhập khẩu phải tái chế thì bắt đầu từ năm 2024 này các lĩnh vực như bao bì, ắc quy, pin, dầu nhớt, săm lốp... sẽ phải thực hiện. Tiếp đó, đến năm 2025 sẽ đến lĩnh vực điện, điện tử, năm 2027 là lĩnh vực phương tiện giao thông.
Bài toán không đơn giản
Để thực hiện lộ trình, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp (DN) cần cập nhật thông tư, nghị định có liên quan đến hoạt động tái chế, tìm hiểu các thông tin về tái chế theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chặng đường tái chế rác thải nhựa của các DN sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi đến nay vẫn chưa có sự đồng thuận giữa cơ quan hoạch định chính sách và các DN thực thi đối với định mức chi phí tái chế. |
Ngoài ra, theo ông Trần Việt Anh, các DN cần chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, quy định kỹ thuật về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Song song đó, cơ quan quản lý cần hoàn thiện các cơ chế chính sách về tái chế.
Qua quan sát của VnBusines thì thấy rằng, đầu năm 2024 này có rất nhiều DN quan tâm đến việc sử dụng bao bì tái chế dựa trên lộ trình thực hiện của Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc chọn lựa nhà cung cấp bao bì tái chế theo tiêu chí nào vẫn đang là bài toán không đơn giản do phải cân đối các chi phí so với rủi ro về tuổi thọ của một nhãn hàng ra mắt thị trường.
Bên cạnh đó, như lưu ý của ông Lê Anh, Giám Đốc Phát triển bền vững của Công ty Nhựa tái chế Duy Tân, người tiêu dùng vẫn có tâm lý e ngại và chưa chấp nhận một sản phẩm làm từ nhựa tái chế, trong khi đó ở trong nước gần như chưa có quy chuẩn nào để áp dụng cho bao bì nhựa tái chế.
Theo ông Lê Anh, khi bước vào thời điểm mới bắt đầu thị trường tái chế nên vẫn chưa có những quy định rõ ràng, chủ yếu là các DN tuân thủ một cách tự nguyện. Mặc dù đã có một số quy định mới về tái chế, đòi hỏi các DN cũng cần phát triển công nghệ xử lý, quy trình thu gom đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường. Hơn nữa, sản phẩm cần đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật để phù hợp với từng mục đích sử dụng.
Chưa kể, như chia sẻ của vị giám đốc này việc đầu tư vào công nghệ xanh cho tái chế thì chi phí vận hành rất cao, còn nếu phân loại tốt hơn, giảm tỷ lệ hao hụt thì có thể giảm chi phí xuống 10-15%.
Thực tế cho thấy việc tham gia vào hoạt động tái chế của các DN hiện tại vẫn còn rất nhiều thách thức, từ việc định mức chi phí tái chế quá cao, không đủ năng lực để tự tổ chức tái chế, chưa có hướng dẫn, quy định rõ ràng về trách nhiệm của các đối tượng khác nhau trong việc thực hiện EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất).
Vẫn còn lấn cấn định mức chi phí tái chế
Đơn cử như nhiều DN trong thời gian qua đã bày tỏ sự lo ngại về việc định mức chi phí tái chế (Fs) cao sẽ gây khó cho họ. Theo đó, như phản ánh của Hiệp hội Chế biến thủy sản (Vasep) liên quan đến “Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu” thì Fs còn rất cao, thậm chí cao hơn cả Fs trung bình của châu Âu vì không trừ giá trị vật liệu thu hồi sau tái chế, gây tăng giá không cần thiết với nhiều sản phẩm, không phù hợp với khuyến cáo quốc tế và không phù hợp với kinh tế tuần hoàn.
Chính vì vậy, Vasep có kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì bản Dự thảo) nên xem xét lại định mức chi phí tái chế (Fs).
Tuy nhiên, vào cuối tháng 12/2023, trong phần trả lời Vasep thông qua Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính, về ý kiến Fs vẫn rất cao vì không trừ giá trị vật liệu thu hồi sau tái chế, Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, quá trình xây dựng Fs đã tuân thủ đúng quy định tại khoản 1 Điều 81 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Fs bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Ngoài ra, theo Vụ Pháp chế thì Fs đã được trừ chi phí thu mua sản phẩm, bao bì do nhà tái chế chi trả để làm nguyên liệu tái chế (nhà sản xuất không phải chi trả chi phí này), do đó ý kiến Fs phải trừ giá trị vật liệu thu hồi là không phù hợp.
Về ý kiến mức Fs cao hơn trung bình nhiều nước tại Châu Âu, theo Vụ Pháp chế, phần lớn ở các nước, phí tái chế do các tổ chức nhận ủy quyền từ nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt là các PRO) đưa ra trên cơ chế thỏa thuận thị trường (PRO có nguồn thu từ các hoạt động khác, ví dụ từ dịch vụ đặt cọc hoàn trả, do đó có thể giảm chi phí đối với dịch vụ nhận ủy quyền tái chế); chỉ có ở vài nơi mức phí tái chế do cơ quan quản lý ấn định hoặc chỉ định tương tự như Fs của Việt Nam, tiêu biểu như Đài Loan (Trung Quốc), Singapore... mới có giá trị tham khảo trong một số trường hợp.
Do đó, như kết luận của Vụ Pháp chế thì ý kiến của các hiệp hội cho rằng Fs trong dự thảo cao hơn mức trung bình của các nước là không có cơ sở.
Như vậy có thể thấy, chỉ riêng trong vấn đề định mức chi phí tái chế đã không có sự đồng thuận giữa các DN, hiệp hội với cơ quan soạn thảo chính sách. Điều này có thể khiến cho chặng đường thực hiện hoạt động tái chế của các DN sẽ còn gặp nhiều khó khăn phía trước.
Thế Vinh