Việt Nam Food của Tổng giám đốc Phan Thanh Lộc là một trong 3 công ty chiến thắng chung cuộc giải thưởng sáng kiến ESG Việt Nam (2023). Công ty đã áp dụng công nghệ sinh học hướng tới sản xuất không chất thải, tận dụng tối đa dinh dưỡng từ phụ phẩm tôm để tạo ra các sản phẩm giá trị.
Điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng xử lý môi trường mà còn mang về cho Việt Nam Food các chứng chỉ quốc tế uy tín về bền vững trong ngành thuỷ sản, như chứng chỉ Marin Trust.
Mô hình kinh doanh phát triển bền vững theo khung ESG hướng tới sự phát triển bền vững, hài hòa các yếu tố về các mặt kinh tế, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và quản trị. |
Khó đủ đường
Thành công trong việc thực hành ESG là vậy nhưng ông Lộc lại nói đùa rằng nếu ai hỏi có làm lại không thì ông sẽ trả lời là "không dám nữa". Nói vậy để thấy hành trình vừa qua không hề dễ dàng gì.
“2 năm gần đây chúng tôi phát triển rất nhanh, nhưng thực ra 8 năm đầu tiên tình hình rất căng thẳng. May mắn là chúng tôi biết việc gì cần phải làm, ‘liệu cơm gắp mắm’”, vị lãnh đạo công ty chia sẻ.
Theo ông Lộc, với phần lớn các công ty có trách nhiệm, hai yếu tố G (Quản trị) và S (Xã hội) thường được thực hiện tốt, còn vấn đề về E (Môi trường) thử thách hơn, cần tập trung khá nhiều công sức.
Đa số các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ, lực yếu, còn nhiều khó khăn về tài chính, nhân lực… Trong khi đó, thực tế hiện nay cho thấy việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến sẽ tiêu tốn của doanh nghiệp nhiều nguồn lực. Thêm vào đó, đầu tư ‘'khủng’’ kéo theo giá thành sản phẩm tăng lên khiến doanh nghiệp khó tìm đầu ra cho sản phẩm vì không phải khách hàng nào cũng muốn “xanh”.
Điều đó dẫn đến tình trạng, dù đã nhận thức được mục tiêu phát triển bền vững nhưng thực hiện khó khăn khiến doanh nghiệp SME nản lòng.
Là người đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp trong hành trình theo đuổi ESG, PGS.TS Lê Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm FIIS, Trường Đại học Ngoại Thương cho biết, nhiều doanh nghiệp ban đầu rất bỡ ngỡ khi triển khai. Đặc biệt vất vả khi thu thập các minh chứng cho khoảng 600 bộ tiêu chuẩn đi theo ESG.
Theo quan điểm của PGS.TS Lê Thị Thu Hà, điều cần quan tâm nhất và khó nhất với các doanh nghiệp là trả lời được câu hỏi: “Tại sao phải làm ESG và làm như thế nào?”
" ESG bản chất là việc lượng hóa các cam kết, tuân thủ về xã hội, môi trường, quản trị của một công ty, giúp cho việc ra quyết định của các nhà đầu tư chuẩn mực hơn", bà Hà nhấn mạnh.
Cần tìm lối đi riêng
Tại Việt Nam, những doanh nghiệp có doanh thu trên 100 tỷ đồng và niêm yết trên sàn chứng khoán thì buộc phải công bố báo cáo ESG. Tuy nhiên, trên thực tế, để đáp ứng nhu cầu về thị trường hiện nay, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam có doanh thu chưa tới 100 tỷ đồng cũng rất quan tâm, mong muốn áp dụng thực hành ESG vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bà Hà cho rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có nhu cầu xuất khẩu hay thu hút đầu tư nước ngoài, đơn thuần muốn hướng tới phát triển bền vững thì còn rất nhiều bộ tiêu chuẩn khác để có thể theo.
“ESG là bộ tiêu chuẩn của các nhà đầu tư. Nếu chúng ta muốn tiếp cận các nguồn trái phiếu xanh, tài chính xanh thì ESG mới thực sự phát huy giá trị của mình”, bà Hà cho biết.
Đồng quan điểm, PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp, Trường Đại học Ngoại Thương cho rằng sản xuất xanh, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững là xu hướng tất yếu nên doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ để không bị lạc lõng trong dòng chuyển lưu của thời đại thì không thể nằm ngoài các xu hướng đó.
Tuy nhiên, tùy theo năng lực, nhận thức, bối cảnh kinh doanh mà doanh nghiệp tìm con đường xanh hoá của riêng mình. ESG là một trong những phương thức, công cụ, cách thức để doanh nghiệp bước nhanh hơn nhưng ESG phù hợp hơn với các doanh nghiệp lớn, có hội đồng quản trị, quan tâm đến thu hút đầu tư.
Còn với các doanh nghiệp quan tâm áp dụng ESG, đặc biệt doanh nghiệp SME, nguồn lực còn chưa mạnh thì bước đầu có thể “mạnh dạn” sử dụng các bộ tiêu chí đã có, đã được thực hiện ở Việt Nam để tự chấm điểm mình. Khi chưa tự tin, chưa hiểu rõ thì doanh nghiệp có thể tham khảo các chuyên gia như trung tâm FIIS, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay các doanh nghiệp đi trước, đã có thành tựu.
Về vấn đề này, PGS.TS Lê Thị Thu Hà gợi ý các doanh nghiệp SME có thể đọc những báo cáo ESG công khai của các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành của mình để học hỏi, thực hiện theo trên cơ sở phù hợp với nội lực hiện có của doanh nghiệp.
Đỗ Kiều