“Vua tiêu” Phúc Sinh vừa qua đã nhận được khoản đầu tư gần 25 triệu USD (600 tỷ đồng) từ Quỹ đầu tư &Green, Hà Lan - một quỹ đầu tư bền vững toàn cầu với chiến lược và mục tiêu bảo vệ môi trường, xã hội. Đây không chỉ là tin vui của riêng doanh nghiệp mà còn là tín hiệu tích cực cho nông sản Việt Nam trong hành trình theo đuổi phát triển bền vững và nâng cao giá trị.
Đầu tư ESG là “mệnh lệnh”
Từ 14 năm trước, Phúc Sinh đã bắt đầu theo đuổi phát triển bền vững. Thời điểm đó, khái niệm này còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng với đối tác nước ngoài thì chứng nhận Tiêu chuẩn Nông nghiệp bền vững (RA) là “điều kiện bắt buộc” và doanh nghiệp không có sự lựa chọn.
Cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, xử lý kiểm dịch đến xuất khẩu để tạo ra sản phẩm chất lượng. |
Từ lúc còn phải mò mẫm làm, đến nay, Phúc Sinh không chỉ đạt được RA mà còn thành công chinh phục hơn 20 loại chứng chỉ và chứng nhận khác về phát triển bền vững và chất lượng sản phẩm. Đây chính là những “tấm kim bài” giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm ra bàn ăn thế giới, cũng như vượt qua các “hàng rào” về quy trình, tiêu chí để nhận được sự quan tâm và quyết định rót vốn tài trợ của các quỹ đầu tư.
“Những việc chúng tôi làm từ 14 năm trước trong phát triển bền vững vùng trồng, con người... giờ là lợi thế giúp tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức lớn trên thế giới, điều mà các công ty không làm phát triển bền vững không thể có được”, CEO Nguyễn Minh Thông đúc kết.
Ngày càng nhiều thị trường trên thế giới, nhất là những thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ áp dụng các quy chuẩn sản xuất bền vững, sản xuất xanh với hàng hoá. Hiện EU đã buộc các nhà xuất khẩu vào thị trường này phải trả một khoản thuế tương ứng với mức giá cho phép phát thải. Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc) và Philippines thì yêu cầu các công ty đại chúng công bố hiệu quả hoạt động ESG. Trung Quốc cũng dự kiến đưa ra chính sách tương tự trong thời gian tới.
Không chỉ dừng lại ở quy định quốc gia, trong hoạt động kinh doanh quốc tế, nhiều công ty cũng xem ESG là yếu tố quan trọng để cân nhắc ký kết hợp tác. Điều này đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp Việt: nếu muốn gia nhập thị trường lớn thì phải phát triển xanh, phát triển bền vững. Đây không đơn thuần là sự lựa chọn phù hợp với mục tiêu bền vững của Việt Nam và toàn cầu mà là “mệnh lệnh” bắt buộc phải thực hiện để đảm bảo có đơn hàng, thu hút nhiều bạn hàng hơn và mở rộng thị trường quốc tế.
Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm G.C (GCFood), hiện nay hầu hết nhà mua hàng làm việc với công ty đều đặt vấn đề về chứng nhận ESG. Trong giai đoạn công ty chưa thể đáp ứng, đối tác đồng ý mua hàng với quy mô vừa phải để theo dõi hoạt động kinh doanh nhưng về dài hạn, nếu muốn tăng quy mô xuất khẩu vào các thị trường như châu Âu và Mỹ, đặc biệt với châu Âu thì chuẩn ESG là bắt buộc.
“Vua nha đam” cho biết thêm, nếu triển khai ESG thành công và có giấy chứng nhận, một ngân hàng của Anh sẵn sàng ký hợp tác song phương, tài trợ vốn cho công ty. Nguồn vốn tài trợ có thể đạt 50 - 70% nguồn cần huy động, kèm mức lãi suất ưu đãi.
Nhìn rộng ra toàn thị trường, năm nay rau quả Việt Nam “được mùa” xuất khẩu, kỳ vọng có thể phá vỡ kỷ lục của năm ngoái với kim ngạch đạt 6,5 - 7 tỷ USD. Để duy trì, mở rộng thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu, đưa nông sản cất cánh hơn nữa thì tiêu chuẩn bền vững, ESG sẽ là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu. Nếu các doanh nghiệp cùng đồng loạt quan tâm đầu tư vào ESG có thể tạo sức mạnh cạnh tranh lớn cho nông sản Việt trên thị trường xuất khẩu.
Theo GS.TS Martin Blake, Cố vấn trong Hội đồng quản trị của Blake Advisory Pte Ltd, đối với các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, có 2 cách chính để thực hành ESG. Thứ nhất là thay đổi cách xử lý đất trồng trọt, giảm bớt tác hại đến đất. Thứ hai là làm việc với cộng đồng nông dân, giúp họ cải thiện cuộc sống của mình. Khi sản phẩm của người nông dân tự nhiên và hữu cơ hơn, mức giá bán nông sản sẽ cao hơn.
Còn ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng: “Cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững và thực chất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật, xuất khẩu để tạo ra sản phẩm chất lượng; tránh chạy theo lợi nhuận, thu hoạch trái cây non hoặc phá vỡ hợp đồng, bể kèo gây mất uy tín, ảnh hưởng đến xuất khẩu chung của cả ngành hàng”.
Nhiều thách thức trong triển khai
Nhận thức về việc thực hành ESG đã có, nhưng để nông sản Việt chạm tay được vào chứng chỉ là cả một hành trình không hề dễ dàng, cần nhiều thời gian và tiền bạc.
Quay trở lại câu chuyện của Phúc Sinh, dù đã đi trước về phát triển bền vững từ rất lâu, nhưng đến khi theo đuổi ESG, “vua tiêu” cũng phải nếm mùi “làm ESG khó hơn phát triển bền vững nhiều”. Nhà sáng lập kiêm CEO của Phúc Sinh cho biết, có hàng loạt tiêu chí mà tập đoàn cần điều chỉnh trong nhiều tháng khi họ bắt đầu lộ trình ESG.
Còn với GC Food, dù quyết tâm theo đuổi ESG nhưng khó khăn đến với họ ngay từ khâu lựa chọn đơn vị tư vấn.
“Có những đơn vị tư vấn giải pháp hoàn hảo nhưng chi phí quá lớn, công ty không có khả năng áp dụng trong thời điểm hiện tại. Có những đơn vị khác tư vấn giải pháp không triệt để nên nếu hiện tại đầu tư thì sau đó sẽ cần nâng cấp, bỏ cái cũ đi, lại gây tốn kém”, CEO GC Food trăn trở “lựa chọn đơn vị tư vấn ESG nào cũng là cái khó hiện nay”.
Nói thêm về ESG, ông Nguyễn Văn Thứ cho biết, khi làm về môi trường, lượng tiền đầu tư vào khá lớn, phải thay đổi một số máy móc, thiết bị hoặc bổ sung thêm máy móc để tăng hiệu quả hoạt động, giảm nhiên liệu tiêu hao, giảm lượng nước sử dụng hoặc tăng hiệu quả sử dụng trên 1 ha đồng ruộng: “Tất cả những điều này đều phải đầu tư. Nếu chỉ là ý tưởng thì không thể triển khai được. Phải là đầu tư vào hạ tầng, từ đó vận hành hạ tầng thì mới giảm được tiêu hao. Khi đó mới có thể đo lường, có số liệu chứng minh trước khi đầu tư máy móc và sau khi đầu tư đã giảm thiểu được độ tiêu hao thế nào”.
Có thể thấy, trên chặng đường hướng tới nông nghiệp xanh, bền vững, bên cạnh vấn đề nhận thức thì rào cản lớn nhất đang là chi phí. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần nhìn nhận đây là những khoản đầu tư lâu dài, có giá trị trong tương lai để hướng tới sự chuyển dịch một cách mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, Chính phủ cần khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường và nâng cao năng lực, nhận thức của cả doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi xanh. Các chuyên gia cũng lưu ý, trong hành trình chuyển đổi, vai trò của công nghệ rất quan trọng, quyết định sự thành bại khi thực hiện mục tiêu ESG.
Ths Đặng Bùi Khuê, Giám đốc phát triển bền vững TUV NORD Việt Nam Các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ đang ngày càng ưu tiên các sản phẩm có chứng nhận ESG. Doanh nghiệp thực hiện tốt ESG sẽ có lợi thế cạnh tranh và tiếp cận được nhiều thị trường hơn. EU đang thực hiện chiến lược Farm to Folk (từ nông trại đến bàn ăn) cho ngành thực phẩm. Trong chiến lược này có những yêu cầu liên quan đến bền vững trong nông nghiệp và thực phẩm. Nhưng số lượng báo cáo ESG ngành nông sản xuất khẩu Việt chưa nhiều. Ông Mark Birnbaum, Giám đốc dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam Tác động của các chỉ số ESG vượt ra ngoài khuôn khổ các chỉ số tài chính, thông qua đáp ứng những yêu cầu chặt chẽ hơn. ESG là chất xúc tác giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, nâng cao khả năng phục hồi, giành nhiều lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh môi trường toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên... Các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt nguyên tắc ESG, ưu tiên áp dụng thực hành ESG để duy trì sự phát triển bền vững trong tương lai. Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM Doanh nghiệp có thể gặp rủi ro nếu quản lý chương trình ESG không được tốt do còn thiếu kinh nghiệm và hạn chế về kỹ năng. Kế hoạch triển khai ESG cần được phối hợp đồng bộ trong toàn doanh nghiệp, nếu hỏng hoặc trục trặc bất cứ một khâu nào có thể dẫn đến thiếu nhất quán và ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Đây là một khó khăn và chứa đựng nhiều rủi ro cho doanh nghiệp trong khi kinh nghiệm còn thiếu, kỹ năng quản lý ESG còn hạn chế. |
Đỗ Kiều