Chuyển đổi mô hình kinh doanh trong bối cảnh mới là việc tất yếu phải làm (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Tại Hội thảo kinh tế nền tảng trong chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) tổ chức ngày 20/5, các chuyên gia cho rằng khi bắt đầu thay đổi, các doanh nghiệp cũng phải lường trước những khó khăn sẽ gặp phải. Bởi theo thống kê, cứ 10 chủ doanh nghiệp trên thế giới thì 9 doanh nghiệp bắt đầu chiến lược chuyển đổi số và trong 9 người triển khai mô hình kinh doanh mới này thì có 7 người thất bại.
80% doanh nghiệp mới biết
Từ trước đại dịch Covid-19, International Data Coperation đã dự báo, đến năm 2022, giá trị chuyển đổi số trên thế giới ước đạt 2.000 tỷ USD và tăng trưởng cao gấp 4 lần so với mức tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ công nghệ thông tin. Sau đại dịch, mọi việc có thể còn tiến nhanh hơn nữa.
Theo Báo cáo về nền kinh tế số tại Đông Nam Á của Google, Tamesek và Bain & Company năm 2019, kinh tế số của Việt Nam và Indonesia tăng trưởng như “rồng được tháo xích” và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (khoảng 38%) và dự kiến có thể đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số ở Việt Nam vẫn diễn ra khá chậm chạp do nhiều nguyên nhân như: thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp vẫn là những điểm yếu trong công cuộc chuyển đổi số.
Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm tới hơn 98% tổng doanh nghiệp, song trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế. Có đến 80 - 90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980 - 1990.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, cuộc tấn công của Covid-19 cùng với các lệnh giãn cách xã hội đã giúp doanh nghiệp nhận ra vai trò ngày một quan trọng của chuyển đổi số.
Theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương, có tới 16/17 ngành khảo sát đang có mức độ sẵn sàng thấp trước xu hướng tham gia ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp mới bắt đầu biết về chuyển đối số chiếm tới trên 80%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, nếu các doanh nghiệp vẫn giữ mô hình kinh doanh chuỗi cửa hàng truyền thống sẽ gặp khó khăn và không thể tiếp cận được với thị trường mới.
Ông Nguyễn Việt Ái, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng đứng trước một cuộc khủng hoảng thường là điểm mốc của sự thay đổi, một doanh nghiệp có khả năng thích ứng nhanh sẽ tận dụng tốt các cơ hội phát triển từ thị trường. Trong đó, chuyển đổi số là chìa khoá cốt lõi để “mở cánh cửa” thị trường.
“Dịch bệnh khiến thái độ tiêu dùng thay đổi liên tục, đòi hỏi các doanh nghiệp cũng phải thay đổi cách thức kinh doanh, phải đổi mới, cải tiến ở tất cả các khâu từ thiết kế, sản xuất đến thương mại, trong đó chuyển đổi số là chìa khóa cốt lõi”, ông Ái nói.
Cuộc cách mạng thay đổi tư duy
Theo ông Trường Bomi, nguyên Giám đốc Dịch vụ Chuyển tiền MoMo, đồng sáng lập AhaMove, về lý thuyết, một công ty hoàn toàn có thể chuyển đổi số, quan trọng là doanh nghiệp đó có muốn thay đổi không?
“Thay vì làm những “mảnh đất” của họ, doanh nghiệp thuê “mảnh đất” khác và vận hành nó. Đó là cách chuyển đổi số dần, giảm bớt sự quản lý truyền thống. Tuy nhiên, cái khó của các công ty này là bám rễ vào mô hình truyền thống cũ. Vì vậy, phải thay đổi tư duy cũ để sẵn sàng đón nhận cái mới”, ông Trường nói.
Dẫn trường hợp cụ thể từ MoMo, ông Trường cho hay, MoMo hiện đang cung cấp hàng trăm dịch vụ và tới đây có thể là hàng nghìn dịch vụ cho khách hàng. Vậy làm thế nào để người dùng sử dụng hết tất cả dịch vụ của doanh nghiệp? Để trả lời được câu hỏi này, MoMo phải hiểu người dùng, đưa ra những sản phẩm phù hợp. Vì vậy, việc phân tích dữ liệu khách hàng rất quan trọng.
Tại một hội thảo gần đây, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho biết, chuyển đổi mô hình kinh doanh trong bối cảnh mới là việc tất yếu phải làm, nhưng các doanh nghiệp cần một cách làm để có được hiệu quả và thành công. Chuyển đổi số không phải công ty to sẽ thắng công ty bé, mà công ty hành động nhanh sẽ thắng công ty hành động chậm. Cuộc cách mạng này đặt mọi người vào vị thế hoặc là chuyển đổi hoặc sẽ tiêu vong. Vấn đề chỉ còn là thời gian khi nào sẽ xảy ra và xảy ra đến quy mô nào.
“Tôi nghĩ trong vòng 10 - 15 năm nữa, trật tự mới sẽ được thiết lập”, Chủ tịch FPT nói. Đồng thời, chia sẻ FPT trước đây chỉ làm phần mềm cho các doanh nghiệp nhưng bây giờ 1/3 doanh thu đến từ chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), đặt vấn đề: Việc chuyển đổi mô hình số nên bắt đầu từ đâu và triển khai ngay được không? Câu trả lời của ông Dũng là: Doanh nghiệp có thể làm được nếu quyết tâm.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Việt Ái, hiện nay, việc chuyển đổi số ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn do yếu tố pháp lý, tâm lý và văn hóa. Theo đó, cơ quan nhà nước cần có những chính sách để mở hành lang pháp lý, chia sẻ dữ liệu. Thứ hai là chính sách ban hành làm sao để tăng tính cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp trên thế giới. Ví dụ như có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp điện tử làm ra sản phẩm có giá bán rẻ hơn hoặc bằng với thế giới.
Về góc độ người dân, phải có nhận thức thay đổi về chuyển đổi số. Thực tế, chuyển đổi số hiện nay mới được biết đến ở các thành phố lớn, còn người dân ở các vùng nông thôn hầu như chưa biết đến.
Thanh Hoa