Trong 2 ngày 25 và 26/11, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh” lần thứ năm (Contemporary Issues in Economics, Management and Business - 5th CIEMB 2022).
Tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá, Việt Nam đã có sự phục hồi ngoạn mục sau COVID-19. Tuy nhiên, trước biến động lớn từ tình hình địa chính trị thế giới, những điều chỉnh từ chính sách, lãi suất và tỷ giá đã gây những áp lực không nhỏ tới doanh nghiệp.
Các chuyên gia quốc tế khuyến nghị một số giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi bền vững sau đại dịch COVID -19. |
GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, sau 2 năm đại dịch COVID -19, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cố gắng và Chính phủ có những biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn lực doanh nghiệp bị bào mòn, trong khi đó sự hỗ trợ của Chính phủ chưa thực sự có hiệu quả và chưa nuôi dưỡng được nguồn lực cho doanh nghiệp.
Ông Chương dẫn chứng, tại nhiều nước trên thế giới, “gánh nặng” COVID-19 được Chính phủ san sẻ rất nhiều, họ chấp nhận tăng nợ công để hỗ trợ doanh nghiệp nên khi đại dịch qua đi, doanh nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ. Còn tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn: từ nguồn vốn, thiếu niềm tin vào tương lai của sự phát triển… nhiều khó khăn dồn đến khi nguồn lực bị bào mòn trong bối cảnh "sức khoẻ" doanh nghiệp kiệt quệ.
Với những khó khăn này, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần phải tháo gỡ nguồn vốn cho doanh nghiệp, cùng với đó cần phải có nghiên cứu đâu là trách nhiệm của doanh nghiệp, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và môi trường đầu tư… nhằm khôi phục niềm tin cộng đồng, xã hội đối với doanh nghiệp.
Với câu chuyện vốn của doanh nghiệp, ông Chương cho biết, có nhiều giải pháp về vốn, nhưng tại Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp vẫn phụ thuộc vào vốn ngân hàng. Vì vậy, đây có thể xem là vấn đề cấp bách, cần sớm giải quyết.
“Việc nới room cần phải căn cứ tình hình cụ thể từng ngân hàng, có đánh giá thông tin chính sách vè tình hình tín dụng của từng ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nới room khó thực hiện được”, ông Chương cho hay.
Dưới góc nhìn của chuyên gia quốc tế, GS. Jonathan Pincus – Chuyên gia kinh tế cao cấp chương trình phát triển của Liên Hợp quốc đánh giá: Với độ mở lớn của nền kinh tế, Việt Nam đang chịu tác động không nhỏ từ sự suy thoái của của nền kinh tế thế giới. Dự báo trong năm tới, nền kinh tế sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Đưa ra khuyến nghị, chuyên gia này cho rằng, Chính phủ cần có các giải pháp để tìm kiếm, hỗ trợ đa dạng hoá thị trường cho các doanh nghiêp, tránh tối đa những đứt gãy trong sản xuất.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng khuyến nghị, chính sách kinh tế của Việt Nam nên tập trung giải quyết tình hình trái phiếu doanh nghiệp vốn đang có nhiều thách thức. Cần phân loại những bên nào cần được thúc đẩy nguồn vốn từ ngân hàng, bên nào nên được phá sản hoặc sáp nhập là vấn đề quan trọng đối với Việt Nam lúc này. Một số ngân hàng tăng lãi suất mạnh cũng có thể là một vấn đề. Dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì và tăng trưởng, dù sắp tới chậm lại nhưng vẫn sẽ tích cực. Và hy vọng áp lực lạm phát sẽ giảm vào năm 2023.
Ngoài ra, Việt Nam cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng kinh doanh để thu hút đầu tư có giá trị cao hơn. Nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông xung quanh các khu công nghiệp có thể là một hướng đi, sẽ giảm được tình trạng tắc nghẽn.
Thách thức chính khác mà Việt Nam phải giải quyết là giữ lạm phát dưới mức 4% như mục tiêu đề ra. Việt Nam đã cố gắng hạn chế việc tăng giá trong giai đoạn đầu của lạm phát gia tăng, tuy nhiên, áp lực lạm phát đã lan sang nhiều loại sản phẩm hơn, bao gồm cả thực phẩm và dịch vụ.
Thanh Hoa