Cụ thể, tại Thông báo Kết luận số 204/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ GTVT cần nghiên cứu kỹ, toàn diện việc quy định gắn cố định hộp đèn với chữ "Xe hợp đồng" trên nóc xe, kích thước tối thiểu 12 x 30 cm đối với xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử để vận chuyển hành khách (đặc biệt lưu ý đến tâm lý, văn hóa của người thuê xe, lái xe, chủ xe… khi phải gắn cố định hộp đèn trên nóc xe); nghiên cứu thêm các hình thức quản lý khác, từ đó thống nhất với Bộ TT&TT, đề xuất quy định phù hợp trong dự thảo nghị định.
Về nội dung này, Bộ GTVT đã thực hiện đánh giá và nghiên cứu kỹ quy định gắn cố định hộp đèn trên nóc xe và đã được thể hiện cụ thể tại Công văn số 3427/BGTVT-VT ngày 12/4/2019 gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kết quả nghiên cứu, rà soát nội dung dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Thông báo Kết luận số 93/TB-VPCP (trình lần thứ 8).
Bộ GTVT quy định gắn hộp đèn cho taxi công nghệ (Ảnh minh họa: Internet) |
Bộ GTVT cho hay, việc bổ sung nội dung này nhằm bảo đảm quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử với loại hình taxi; đồng thời phân biệt với xe cá nhân (loại xe không kinh doanh vận tải), làm rõ nhận diện của các phương tiện kinh doanh loại hình này. Từ đó, tránh tình trạng xe cá nhân trá hình để kinh doanh dẫn đến gây khó khăn cho lực lượng tuần tra kiểm soát và công tác tổ chức giao thông đô thị và đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Cũng theo Bộ GTVT, nghị định này tiếp thu và được sự đồng thuận của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Taxi Hà Nội, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh, một số doanh nghiệp taxi lớn và một số Sở GTVT.
"Đặc biệt đối với nội dung, quy định này cũng đã được nghiên cứu kinh nghiệm ở một số nước như Thái Lan, Singapore... xe ứng dụng công nghệ phải gắn hộp đèn trên nóc xe", công văn của Bộ GTVT thông tin.
Bộ GTVT khẳng định, đối với quy định trên, Bộ GTVT, Bộ Công an và các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đồng thuận với quy định để tăng cường công tác quản lý vận tải, cũng như tổ chức giao thông đô thị và phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát trên đường.
Đồng thời, Bộ GTVT đã làm việc và thống nhất với Bộ TT&TT về quy định này tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 mới nhất mà Bộ GTVT quy định, xe taxi chia làm 2 loại. Loại thứ nhất là xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền, trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì, phải có thiết bị in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền và trả cho hành khách khi kết thúc hành trình.
Loại thứ hai là xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi (gọi là phần mềm tính tiền) trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến; tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số... Cả hai loại taxi trên đều phải có phù hiệu "Taxi" và được dán cố định phía bên phải mặt kính trước của xe, có hộp đèn chữ "Taxi" gắn cố định trước nóc xe, kích thước tối thiểu 15x30 cm.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 còn quy định, trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ "Xe hợp đồng" gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12 x 30 cm.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA), với quy định mới nhất được xây dựng trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 thì các hãng gọi xe công nghệ hiện nay như Go Viet, Grab... đều phải đăng ký là doanh nghiệp vận tải. Nếu các doanh nghiệp này hoạt động như taxi sẽ áp dụng quy định như taxi, còn nếu hoạt động như xe hợp đồng sẽ phải áp dụng quy định như vậy. Dù ở trường hợp nào, các xe này đều phải gắn mào khi hoạt động.
Vũ Trọng