Chiều ngày 14/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong khuôn khổ Dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong việc giám sát và thực hiện tái cơ cấu kinh tế (thuộc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam – Aus4Reform) đã công bố báo cáo: Kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch COVID-19.
DN do phụ nữ làm chủ chịu tác động tiêu cực từ COVID-19 cao hơn DN do nam giới làm chủ. |
Theo Ban Pháp chế (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dù có một số cải thiện trong giai đoạn 2011-2018 nhưng lại giảm trong các năm 2019, 2020, 2021 và chưa đạt được mục tiêu đề ra. Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tập trung nhiều trong lĩnh vực thương mại/dịch vụ.
Quy mô doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tập trung ở mức nhỏ, siêu nhỏ và với quy mô trung bình thấp hơn so với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Có đến 61,3% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ xuất phát từ hộ kinh doanh cá thể.
Đáng chú ý, báo cáo trên chỉ ra tác động của COVID-19 tới các doanh nghiệp phần lớn là tiêu cực. Năm 2021, 93,9% các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Những doanh nghiệp bị tác động hoàn toàn tiêu cực nhiều nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ.
Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có bị giảm doanh thu năm 2020 so với 2019 cao hơn tỷ lệ doanh nghiệp do nam giới làm chủ bị giảm doanh thu (tương ứng là 67,2% và 65%). Mức giảm doanh thu của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cũng cao hơn (37,3% so với 35,9%). Hơn 2/3 (69,3%) các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trả lời ước tính doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2020, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ (6%) là có doanh thu tăng.
Các khía cạnh bị ảnh hưởng tiêu cực như tìm kiếm nguồn vốn, tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng, vấn đề nhân công/người lao động của doanh nghiệp. Một tỷ lệ rất lớn (xấp xỉ 90%) các doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ việc.
Trước thực tế trên, nhóm nghiên cứu kiến nghị các địa phương cần đưa ra ưu tiên cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, các ngân hàng hỗ trợ tiếp cận nguồn tín dụng một cách bình đẳng đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại; đơn giản hóa điều kiện và thủ tục cho vay, xử lý hồ sơ nhanh chóng.
Các địa phương cải thiện việc triển khai các biện pháp hỗ trợ do Chính phủ cung cấp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong cuộc khủng hoảng COVID-19, đặc biệt là minh bạch thông tin và quy trình thủ tục áp dụng. Các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành.
"Chính phủ xem xét các chính sách hỗ trợ tài khóa cụ thể đã được triển khai cần được xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng, mức độ hỗ trợ, thời gian hỗ trợ. Cần tập trung cải thiện hiệu quả của công tác tuyên truyền và thực thi đối với các gói chính sách hỗ trợ đã ban hành...", nhóm nghiên cứu đề xuất.
Thy Lê