![]() |
Đến Mường Lò, thưởng thức ẩm thực cùng những điệu múa xòe của dân tộc Thái. |
Về thăm bản Đêu 3 (Nghĩa An, Nghĩa Lộ, Yên Bái), du khách sẽ được thưởng thức món ăn truyền thống dân tộc, dân dã mà lắng đọng bởi những hương vị đậm đà được truyền từ ngàn đời. Thưởng thức món ngon của dân tộc Thái, ngồi trên nhà sàn xem múa xòe là điều thú vị mà không phải ở đâu cũng có.
Với những nguyên liệu quen thuộc như gà bản, cá suối và rau rừng… nhưng mỗi món đều có hương vị đặc trưng riêng bởi cách chế biến cầu kỳ và những gia vị chỉ có ở rừng già. Tết này, nếu có dịp ghé thăm bản của đồng bào Thái, đừng quên thưởng thức những món ngon có tên "độc, lạ", vị ngon khó cưỡng sau đây:
Pa pỉng tộp
Trong tiếng Thái, “pỉnh” có nghĩa là nướng, còn “tộp” là uốn. “Pa pỉnh tộp” là món cá được mổ lưng, tẩm ướp gia vị, gập đôi lại và nướng chín. Điểm hấp dẫn của món cá này chính là cách chế biến và gia vị. Người phụ nữ Thái sẽ băm nhỏ các nguyên liệu: rau thối, ớt, sả, hành, húng chó, húng bạc hà, thì là và rắc thêm mắc khén, hạt dổi, muối cho vừa ăn…sau đó nhồi vào bụng cá. Người Thái dùng một chiếc kẹp làm bằng tre, kẹp vào giữa thân cá rồi nướng trên than hồng, quạt đều tay cho cá chín vàng giòn.
![]() |
Ngoài dịp Tết, pa pỉng tộp là món ăn không thể thiếu trong lễ cưới của người Thái. |
Món cá nướng từ phần thịt giòn ngọt bên ngoài đến phần nhân bên trong đậm đà, vị ngọt của thịt cá hòa quyện trong cái tê tê, thơm nồng của hạt mắc khén.
Món này thường được ăn cùng với cơm nếp. Nhón một miếng xôi rồi thưởng thức với chút thịt và nhân cá pỉnh tộp sẽ thấy đây là một sự kết hợp hoàn hảo đến bất ngờ. Tất cả tạo nên một hương vị thật độc đáo, thơm ngon khó tả.
Phặm păm
Lý giải về ý nghĩa của món ăn, già làng kể rằng “phặm păm” nghĩa là cả làng cùng băm. Những năm chiến tranh, các chiến sĩ hành quân qua bản, làng không biết làm món gì cho vừa nhanh vừa ngon, lại thiết đãi được cả đoàn quân vài trăm người. Người Thái quyết định làm món thịt băm gói lá nướng, hàng chục người trong làng tay dao, tay thớt băm thịt, không khí vui tươi, nhộn nhịp ngày xuân.
Thịt lợn được băm nhỏ ướp với gia vị mắc khén, hạt dổi, ớt, sả, hành lá, húng chó, húng bạc hà được cuốn lá dong và nướng trên than hồng. Bên bếp lửa, người Thái vừa nướng vừa lật, chừng 30 phút, lá dong chuyển sang màu vàng sậm, tỏa mùi thơm nghĩa là thịt chín.
![]() |
Món phặm păm mang nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử. |
Gỡ lá dong ra, gói thịt màu vàng ruộm, hơi nóng nghi ngút bay lên kèm mùi thơm của thịt hòa với mùi mắc khén, mùi khói bếp thoang thoảng hấp dẫn. Thịt băm gói lá ăn nóng sẽ ngon hơn, có thể chấm chẳm chéo, ăn cùng xôi nếp, vừa mềm, thơm lại đặm vị. Món ăn không chỉ mang nét văn hóa ẩm thực của người Thái mà còn chất chứa những ký ức đẹp, thắm tình quân dân trong những năm tháng chiến tranh.
Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc (xôi 5 màu) là món ăn quan trọng không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày trong dịp lễ, Tết. Mỗi màu sắc có ý nghĩa riêng, tượng trưng cho ước mơ về hạnh phúc, khát vọng ngàn đời no đủ, mong ước mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt tươi. Màu đỏ là biểu tượng của lửa, của sự no ấm nhiệt huyết; màu vàng là màu của lúa, các loại hoa màu, ngũ cốc; màu tím đại diện cho đất đai trù phú; màu trắng của tình yêu thủy chung, son sắt; màu xanh tượng trưng cho núi rừng Tây Bắc.
Điểm đặc biệt của món xôi này là cách tạo màu tự nhiên từ cây cỏ quanh nhà. Màu trắng là màu tự nhiên của gạo, màu tím từ cây cơm đen, màu đỏ từ cây cơm đỏ, màu vàng từ nghệ, màu xanh làm từ cây cơm đen và tro cây vừng.
![]() |
Xôi ngũ sắc là món ăn không thể thiếu trong dịp lễ, Tết của người Thái. |
Các loại lá rừng dùng nhuộm màu được, rửa sạch, nấu với nước lấy từ suối nguồn sau đó lọc sạch, ngâm nước màu với gạo nếp Tú Lệ khoảng 10 tiếng. Người Thái dùng chỗ gỗ đồ xôi giúp giữ được độ dẻo, chín đều và không bị nhão ở đáy.
Những ai có dịp thưởng thức món xôi ngũ sắc không chỉ ấn tượng với độ dẻo thơm từ hạt nếp Tú Lệ, màu sắc bắt mắt của rau rừng mà còn bất ngờ với sự khéo léo, sáng tạo của những người mẹ, người chị dân tộc Thái.
Thịt trâu hun khói
Du lịch đến vùng núi cao Tây Bắc, trong bữa cơm rượu đãi khách của chủ nhà, bạn sẽ bị hấp dẫn bởi món thịt trâu gác bếp rất đặc biệt. Người Thái nghĩ ra cách ướp thịt trâu, bò treo lên gác bếp để có thể ăn được lâu, dùng trong những ngày lễ tết, cỗ bàn hay những dịp quan trọng.
![]() |
Thịt trâu hun khói ăn cùng chẩm chéo. |
Để làm món này, người Thái thường cắt những mảng thịt to, chọn miếng thăn, bắp ở vai, lưng con trâu, bò, cắt thành từng miếng hình con chì. Sau đó họ lại thái dọc thớ, ướp ớt, muối, gừng, nước lá rừng, mắc khén và treo lên gác bếp hun khói cho óng đen, quắt khô để bảo quản. Thịt trâu gác bếp mang đậm phong vị núi rừng với hình thức bên ngoài khô, màu nâu thẫm, nhưng phần trong vẫn hồng hào, tươi đỏ, ngọt đậm đà.
Thật thú vị cả gia đình ngồi quây quần bên bếp lửa hồng, thưởng thức thịt trâu gác bếp với chẩm chéo, uống ngụm rượu ngô cay lâng lâng và cảm nhận mùi khói bếp đậm, ngọt, cay, thơm trên từng thớ thịt.
Nộm rau dớn
Rau dớn người Thái gọi là “pắc cút”, loại rau rừng giống như cây dương xỉ, thân to, tán lá rộng, thường mọc ở bờ suối, khe suối, nơi có độ ẩm ướt cao. Mùa xuân là mùa rau dớn, người Thái ra bờ suối, hái những cọng rau uốn cong như vòi con voi, xanh non mơn mởn về làm nộm.
Để làm được món nộm rau dớn vừa ngon, vừa mang hương vị đặc trưng của dân tộc Thái, người ta đem rau dớn tươi rửa sạch, phơi nắng cho tái, sau đó cho rau rớn vào chõ xôi bằng gỗ đồ khoảng 20 phút. Ở công đoạn này, nhất thiết rau dớn phải đồ chứ không nên luộc để giữ vị bùi bùi, ngọt ngọt của món nộm.
![]() |
Mâm cơm ngày Tết của người Thái đa dạng các món ăn đặc sản. |
Khi rau đã đồ chín, bỏ rau vào bát to, cho rau thơm, ớt, gừng, tỏi, nước chanh tươi, mì chính và muối trắng trộn đều. Để khoảng 5 phút cho ngấm gia vị, sau đó cho lạc rang giã nhỏ vào là có thể ăn ngay được. Món nộm rau dớn khi ăn sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của các loại rau, vị bùi của rau dớn, vị chua ngọt xen lẫn một chút vị cay của ớt, “giải ngán” rất tốt trong những ngày Tết.
Ngoài ra, khi đến với Mường Lò vào dịp Tết, du khách đừng bỏ lỡ những món như bánh chưng đen, canh rau đắng, cào cào rang lá chanh, nhộng ong xào măng, nậm pịa…
Mảnh đất Tây Bắc dễ níu chân du khách nhờ vẻ đẹp còn nguyên sơ, tình người nồng hậu và hơn hết là nét ẩm thực độc đáo rất riêng của vùng cao. Nhờ sự sáng tạo cùng chút khéo léo của đôi tay người phụ nữ Thái, từ nguyên liệu tưởng như rất đỗi bình thường nhưng vẫn tạo nên món ngon lạ miệng, gây ấn tượng với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Xuân Mai