Họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát thuộc thế hệ 8X, dù sinh năm Hợi nhưng con đường khởi nghiệp của anh không có gì là “nằm duỗi mà ăn”, mà anh cần mẫn, “cày cuốc” sáng tạo như… trâu để có được thành quả và cơ ngơi như hôm nay.
![]() |
Bộ sưu tập 1010 tượng trâu sơn mài khảm trai được trưng bày tại ngôi nhà cổ ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). |
Họa sĩ “cày cuốc” như… trâu
Xuất thân trong một gia đình nông dân, cả họ không có ai làm nghệ thuật nên hành trình đến với hội họa của anh đúng nghĩa đi lên từ con số 0. Điều đáng quý mà anh được thừa hưởng từ ông nội và bố là sự sáng tạo, khéo léo. Anh kể, ngày nhỏ hay cùng ông nội vào đền, chùa sơn vẽ, tu tạo, lớn hơn một chút thì phụ bố làm những hoa văn trên cửa sắt, nên những họa tiết, hoa văn cổ như ghim vào ký ức tuổi thơ, trở thành “của để dành” cho chàng họa sĩ tương lai.
Học hết lớp 12, anh nhận ra ngoài vẽ thì mình chẳng có năng khiếu gì đặc biệt. Đứng giữa những sự lựa chọn, anh quyết định thi vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè. Ở đây, anh như “cá gặp nước”, thỏa sức vùng vẫy, sáng tạo trong khung trời riêng. Có thể nói, học đại học chính là bước ngoặt thay đổi cuộc đời anh, bởi “nếu không học đại học, chắc mình sẽ ở nhà làm cửa sắt xây dựng với bố”.
![]() |
Họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ về hình tượng trâu cổng làng. |
Giữa hàng chục nguyện vọng thời thượng như thiết kế nội thất, đồ họa…, anh chàng lập dị này lại chọn sơn mài - ngành mà thời điểm đó ít người theo học vì khó xin việc, lương thấp lại vất vả, kỳ công. Bước vào lối nhỏ, anh Phát biết mình phải tự thân vận động, nỗ lực hơn những người khác gấp 10, 20 lần.
Vì vậy, ngay từ cuối năm nhất, anh đã đi làm thêm cho công ty về sa bàn kiến trúc, rồi lấn sân sang mảng trang sức thủ công mỹ nghệ. Đi làm thêm không chỉ giúp anh trang trải tiền học, tiền sinh hoạt mà còn luyện tay nghề thủ công và am hiểu về thị hiếu của khách trong nước và quốc tế. Ngay từ thời sinh viên, anh Phát đã rủng rỉnh tiền tiêu nhờ bán các sản phẩm handmade cho khách nước ngoài. Tốt nghiệp đại học, anh mở xưởng và thu hút nhiều người lao động cùng mình sáng tạo nghệ thuật và làm giàu.
Nhiều người cho rằng ở Nguyễn Tấn Phát có sự giao thoa giữa họa sĩ và nghệ nhân, nghệ thuật dân gian và hơi thở đương đại. Anh có tâm hồn, óc sáng tạo của một nghệ sĩ và “đôi tay vàng” của nghệ nhân. Ở tuổi 38, anh đã có gia tài nghệ thuật đồ sộ với nhiều bộ sưu tập “khủng” như trang sức sơn mài khảm trai, những con thú không thoát xác, trâu Lạc Việt…
1010 tượng trâu “độc nhất vô nhị”
Đến làng cổ Đường Lâm vào những ngày cuối năm Canh Tý 2020, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng 1010 tượng trâu được trưng bày tại không gian nhà cổ của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát.
Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát chia sẻ, từ bao đời nay, con trâu là đầu cơ nghiệp và cũng là người bạn thân thiết với người nông dân Việt Nam, nên trong năm Tân Sửu, anh muốn gửi gắm tất cả tình yêu và tấm lòng tri ân với mảnh đất quê hương vào hình tượng trâu gỗ sơn mài khảm trai.
Đặc biệt, nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, nên bộ sưu tập có số lượng 1010 tượng trâu để khách thập phương thưởng lãm. Bằng sự sáng tạo và khéo léo của mình, anh “lái trâu” mất gần một năm để “chăn đàn trâu" 1010 con muôn hình muôn vẻ, “độc nhất vô nhị”...
![]() |
Kết hợp sáng tạo nghệ thuật sơn mài, khảm trai. |
Theo anh Phát, 1010 con trâu là 1010 ý tưởng độc bản, không trùng lặp, vì trong nghệ thuật “không sáng tạo là chết”. "Ngoài khả năng sáng tác mẫu và điêu khắc tượng thì tôi còn làm được sơn mài, nên tạo được mẫu mã đa dạng không khó", anh nói.
Sinh ra từ làng cổ Đường Lâm, nên những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Tấn Phát luôn phảng phất hình ảnh của một làng Việt truyền thống, với cánh cổng làng rêu phong, cây đa, bến nước, sân đình, điếm canh, ruộng, miếu chùa lãng đãng khói hương… Với bộ sưu tập 1010 con trâu, anh Phát chia thành 4 chủ đề chính: nhóm "Trâu thực" là những con trâu thuần nông ngộ nghĩnh, đáng yêu; "Trâu cổng làng" gắn với hình ảnh cổng làng; “Trâu hoa văn, họa tiết cổ” và “Trâu Lạc Việt” gắn liền với các họa tiết trống đồng.
Sau khi phác thảo ý tưởng, anh Phát nặn mô hình đất sét để dễ định hình, thay đổi cấu trúc sản phẩm. Sau đó, anh cùng công sự tiến hành hàng chục bước: đục đẽo tạo hình, điêu khắc tinh xảo, phủ sơn, khảm trai, mạ bạc, mạ vàng, đánh bóng… Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ của người làm để tạo phần hồn cho con trâu. Anh Phát vừa làm trâu vừa bán để có kinh phí tái sản xuất. Tượng trâu thường bán cho khách mua về làm cảnh hay quà biếu với giá từ 1,5-5 triệu đồng/con.
![]() |
Trâu được cách điệu hóa, ngộ nghĩnh đáng yêu. |
Anh bộc bạch: “Mục đích làm ra 1010 con để mọi người thưởng thức, có nhiều lựa chọn chứ không phải để khoe khoang hay lấy thành tích. Để không bị những giấc mơ, ảo tưởng giết chết bản thân, tôi luôn coi mình là người nông dân, đi lên từ những thứ nhỏ nhất. Tôi quan niệm tác phẩm nghệ thuật không phải là điều gì đó to tát, ghê gớm cả, nghệ thuật là đặt con mắt thẩm mỹ trong những thứ bình dị, nhỏ bé nhất”. Vì vậy, các chất liệu được anh sử dụng rất quen thuộc như gỗ mít, vỏ trai, vỏ trứng, vỏ dừa… để truyền tải thông điệp tái chế rác và bảo vệ môi trường.
Bỏ qua cả những lời đàm tiếu “cơm áo không đùa với khách thơ”, "nghệ sĩ nửa mùa”, anh Phát âm thầm làm việc, sáng tạo, biến những miếng gỗ vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật và chứng minh với mọi người rằng họa sĩ có thể sống được bằng nghề.
Niềm tin “trâu hóa rồng”
Trong bộ sưu tập 1010 tượng trâu, anh Phát tâm đắc khi nói về bức tượng “trâu hóa rồng” với tạo hình độc lạ, thông điệp sâu sắc. Những con trâu mang hoa văn cổ, văn hóa cổ sẽ gợi nhớ và tôn vinh vẻ đẹp văn hóa cổ, văn hóa dân gian. Ngoài ra, thiết kế xu hướng nghệ thuật ứng dụng, những con trâu không chỉ được dùng để trang trí, thẩm mỹ mà còn đóng vai trò như chiếc khay chứa đựng đồ đạc, chứa đựng yêu thương.
Qua con mắt họa sĩ, trâu là linh vật của nhà nông và đôi khi được "thần thánh hóa" với hình tượng đầu trâu đuôi rồng, vừa mang dụng ý nghệ thuật vừa chứa đựng mong ước, khát vọng của người Việt.
![]() |
Hình tượng trâu hóa rồng mang nhiều ý nghĩa, thông điệp nhân văn sâu sắc. |
“Năm 2020 là năm Tý quá vất vả với cả nhân loại chứ không nói riêng Việt Nam. Với chủ đề “Tân Sửu” tôi muốn mang đến hình ảnh con trâu vừa thân thuộc vừa mới lạ. Qua hình tượng trâu hóa rồng, tôi hy vọng sức trâu sẽ vực dậy nền kinh tế của đất nước, đồng thời mang đến những điều may mắn, cơ hội cho mọi người. Cứ cần mẫn như trâu, thành công nhất định sẽ ghé thăm”, anh Phát chia sẻ.
Một số hình ảnh về Bộ sưu tập 1010 tượng trâu sơn mài khảm trai
![]() |
Hình ảnh "Trâu thực" gắn liền với bà con nông dân. |
![]() |
Trâu Lạc Việt mang họa tiết trống đồng, đạt giải cao nhất cuộc thi thiết kế thủ công năm 2020. |
![]() |
Chủ đề trâu gắn liền với mái đình, cổng làng. |
![]() |
Thiết kế nghệ thuật ứng dụng giúp trâu như chiếc khay chứa đựng các đồ vật nhỏ. |
Xuân Mai