Xét về những triển vọng tích cực, sự hồi phục rõ ràng hơn của nền kinh tế khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát trong năm 2021 sẽ là trụ đỡ cho đà tăng bền vững của thị trường. Đồng thời, việc lãi suất vẫn đang được duy trì ở mức thấp khiến đầu tư chứng khoán tiếp tục là kênh sinh lời hấp dẫn, từ đó thu hút dòng tiền của nhà đầu tư trong nước.
Đặc biệt, dòng tiền của khối ngoại cũng sẽ khả quan hơn khi kinh tế Mỹ và các quốc gia phát triển vẫn chưa thoát khỏi "cơn sốt" Covid trong năm 2021 thì cơ hội cho Việt Nam với lợi thế kinh tế hồi phục nhanh chóng sẽ hưởng lợi hơn các quốc gia phát triển khác.
Những kịch bản dựa trên sự kỳ vọng
Hiện, thị trường chứng khoán đang trong bối cảnh dòng tiền khá dồi dào với giao dịch trung bình hàng ngày ở mức 8.000-9.000 tỷ đồng (trong 2 tháng 11 và 12/2020), thậm chí có phiên kỷ lục lên tới 15.000 tỷ đồng. Cơ hội đầu tư đã rõ ràng hơn, tuy nhiên nhà đầu tư cần cân nhắc và chọn lọc kỹ càng khi một số cổ phiếu đã tăng nóng trong thời gian qua.
Từ những yếu tố tích cực này, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo mức tăng điểm của Vn-Index trong năm 2021, sau khi vượt qua được ngưỡng 1.000 thì sẽ bám sát những diễn biến của kinh tế vĩ mô, có thể sẽ dao động trong vùng 1.029-1.271 điểm.
Thị trường chứng khoán năm 2021 sẽ tăng trưởng nhờ một vài yếu tố chính. |
Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng, nhờ khả năng khống chế dịch bệnh tốt và khu vực xuất khẩu khả quan, kinh tế Việt Nam năm 2021 dự kiến phục hồi hình chữ V với mức tăng trưởng 6,5% so với mức thấp của năm 2020 và khả quan nhất Đông Nam Á, thị trường chứng khoán phần lớn đã phục hồi nhanh chóng về mức "bình thường mới". MBS dự báo tăng trưởng EPS thị trường năm 2021 so với năm 2020 bình quân ở mức 16,7%.
Theo MBS, kịch bản cơ sở của năm 2021 là chỉ số Vn-Index sẽ dao động trong khoảng 965-1.165 điểm (tương đương mức P/E bình quân trong khoảng này 14,94 lần).
Với kịch bản lạc quan, dự báo tăng trưởng EPS năm 2021 có thể đạt 19,4%, chỉ số Vn-Index có thể dao động trong khoảng 995-1.230 điểm.
Tương tự, Báo cáo chiến lược thị trường tháng 1/2021 của Công ty Chứng khoán SSI nhìn nhận, thị trường chứng khoán vẫn còn dư địa tăng trưởng trong năm nay do vẫn đang vận động trong một xu hướng tăng chủ đạo khi các động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phát đi tín hiệu đúng định hướng và Ngân hàng Nhà nước sẽ chưa điều chỉnh chính sách nới lỏng.
Bên cạnh dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân, dòng vốn ETF (quỹ đầu tư thụ động) khả năng sẽ là nhân tố hỗ trợ cho thị trường tiếp tục cân bằng nhanh trước các nhịp điều chỉnh và tiến đến các vùng điểm số cao hơn.
Lạc quan hơn, ông Nguyễn Duy Anh - đại diện Khối khách hàng tổ chức của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) còn khẳng định, khó có kênh nào mang lại sức hút hơn chứng khoán vào thời điểm này. Tình hình thanh khoản liên tục tạo kỷ lục kết hợp với vòng quay nhanh chính là một biểu hiện rõ nét cho điều này. Các chỉ số kinh tế đã tốt lên, Việt Nam là điểm đến của làn sóng doanh nghiệp nước ngoài…, nhiều yếu tố báo hiệu Việt Nam đã đủ điều kiện để “dọn ổ đón đại bàng”.
Cơ hội đi cùng với rủi ro
Thực tế, có rất nhiều yếu tố sẽ tác động đến thị trường trong thời gian tới, nhưng theo ông Duy Anh, chỉ có một vài yếu tố tác động chính. Đầu tiên là các hiệp định thương mại (như EVFTA, CPTPP, RCEP,…) sẽ mở toang cánh cửa xuất khẩu cho Việt Nam, những sản phẩm cần tay nghề thủ công, vật liệu thô vốn là thế mạnh của Việt Nam với nguồn lao động trẻ dồi dào.
Lực lượng lao động có tay nghề cao của Việt Nam càng ngày càng phát triển, với dân số đang trong "thời kỳ vàng" thì việc bùng nổ thu nhập trung lưu ở Việt Nam chắc chắn sẽ diễn ra trong năm 2021.
Cùng với đó, việc ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ được đánh giá về cơ bản sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến Việt Nam từ chính trị đến kinh tế và chiến lược đối ngoại. Việt Nam còn phụ thuộc khá nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc - vốn đang có dấu hiệu đi xuống, nhiều tập đoàn lớn đang chạm vào làn sóng phá sản và sự dịch chuyển của khối doanh nghiệp Mỹ, châu Âu, châu Đại Dương sang các nước khác sẽ gây ra không ít khó khăn cho Trung Quốc.
Ông Duy Anh cho rằng, các vấn đề địa chính trị luôn nóng cả nhiều năm nay, tuy nhiên có thể tin tưởng vào cách lèo lái của Chính phủ về vấn đề này để tránh gây căng thẳng và đảm bảo môi trường tốt nhất cho kinh tế.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, những kịch bản tích cực trên được xây dựng trên giả định Covid-19 không thể tàn phá kinh tế toàn cầu thêm một năm nữa. Thế nhưng, nếu virus này biến chủng phức tạp và kinh tế toàn cầu vẫn phải ở trạng thái “làm việc tại nhà” thì lại là điều đáng lo ngại.
Ngoài ra, việc thị trường tăng nhanh sẽ kích thích việc gia tăng sử dụng margin của nhà đầu tư cá nhân (hiện đang chiếm đông đảo trên thị trường) làm rủi ro thị trường lên cao. Một yếu tố khác mà nhà đầu tư cần lưu tâm là việc gần đây Mỹ "dán nhãn" Việt Nam "thao túng tiền tệ" sẽ làm gia tăng nguy cơ Mỹ đánh thuế lên các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam và ảnh hưởng tâm lý chung của thị trường.
Theo ông Duy Anh, dịch Covid-19 đã diễn ra một năm, Việt Nam đã làm quá tốt các biện pháp phòng vệ. Nhìn cách phản ứng của thị trường, vị chuyên gia này không cho rằng Covid-19 còn có thể “dọa” được giới đầu tư trong nước, nhất là hiện nay nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam đã thử nghiệm vaccine trên người đạt hiệu quả khả quan.
Minh Khuê