Theo tính toán, quy mô nợ xấu hệ thống ngân hàng bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ đã bán cho công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý và nợ cơ cấu lại đến cuối năm 2018 khoảng 5,85%. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 giảm nợ xấu xuống dưới 3%.
Mạnh tay xử lý nợ
Một số ngân hàng thương mại (NHTM) cho biết, mới đây NHNN ban hành văn bản đốc thúc việc xử lý nợ xấu với các mức độ cụ thể tới từng nhà băng, trong đó có những đơn vị nhận được yêu cầu trong năm 2019 giảm được tối thiểu 20% lượng nợ xấu hiện có.
Theo nhận định của giới chuyên gia, với mục tiêu trên, toàn hệ thống ngân hàng sẽ bước vào giai đoạn nước rút mới có thể lập được kỳ tích.
Theo báo cáo của NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối năm 2018 là 1,89%, duy trì đà giảm trong ba năm liên tiếp là 2,46% năm 2016, 1,99% năm 2017.
Trong khối NHTM, ACB là một trong những ngân hàng đang nhẹ đầu với vấn đề nợ xấu sau nhiều năm mạnh tay trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu phát sinh từ giai đoạn trước. Đến nay, ACB đã thu quả ngọt với tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 lần lượt chỉ còn 0,73% và 0,17%.
So với toàn bộ các ngân hàng hiện nay, tỷ lệ nợ xấu của ACB cũng ở mức thấp nhất toàn hệ thống. Vietcombank là ngân hàng thứ hai niêm yết giữ được tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng ở mức thấp 0,5%.
Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết tính đến cuối năm 2018, Vietcombank đã tự xử lý được khoảng 22.600 tỷ đồng nợ xấu, bằng 134% kế hoạch giai đoạn 2016 – 2018, đạt 75% kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020 theo Đề án cơ cấu lại Vietcombank đến năm 2020 đã được NHNN phê duyệt.
Tại hội nghị ngân hàng mới đây, ông Thắng thông tin, tính riêng 3 tháng đầu năm 2019, Vietcombank tự xử lý thêm 200 tỷ đồng nợ xấu. Hiện, nhà băng này đã thu hồi được 8.863 tỷ đồng nợ ngoại bảng, đạt 71% kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020. Tính đến 31/3/2019, dư nợ xấu là 6.870 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 1,02%, thấp hơn về giá trị tuyệt đối nhưng cao hơn về tỷ lệ so với cuối năm 2018.
Trong năm 2019, Vietcombank đặt chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và thu nợ đã xử lý dự phòng rủi ro trên 3.500 tỷ đồng. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, nhưng Vietcombank tin tưởng sẽ hoàn thành được.
Nhóm ở giữa có tỷ lệ nợ xấu dưới 2% gồm có TPBank, MB, HDBank, VietinBank, BIDV, Techcombank, Eximbank.
Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn một số NHTM có tỷ lệ nợ xấu khá cao so với ngành như Sacombank (2,11%), NCB (2,12%) và SHB (2,4%)…
Nhiều ngân hàng thể hiện quyết tâm xóa sạch nợ tại VAMC càng nhanh càng tốt |
Thách thức lớn
Theo nhận định của các chuyên gia, để đưa nợ xấu mở rộng của toàn hệ thống về mức 3% – phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam trong năm nay là một thách thức lớn cho ngành ngân hàng nói chung và các NHTM nói riêng. "Để làm được điều đó, ngành ngân hàng phải có giải pháp đột phá trong xử lý nợ xấu tại những thành viên có con số tuyệt đối lớn", một chuyên gia nhận xét.
Với ba "ông lớn" có vốn nhà nước có tỷ lệ nợ xấu cao là BIDV, VietinBank và Agribank, NHNN yêu cầu thực hiện phân loại nợ chặt chẽ, tiến hành trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và tiến tới tất toán toàn bộ nợ đã bán sang VAMC.
Tổng hợp từ Báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét năm 2018 cho thấy, hiện nay, Vietcombank đã tất toán xong khoản nợ đã bán cho VAMC, trong khi BIDV còn hơn 14.100 tỷ đồng tại VAMC, giảm mạnh 36,8%; Agribank là hơn 25.000 tỷ đồng; VietinBank còn 13.400 tỷ đồng, tăng mạnh 81,6%.
Đáng chú ý, ngân hàng này đã từng sạch nợ tại VAMC vào thời điểm cuối quý II/2018. Điều đó có nghĩa, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2018, VietinBank quay trở lại bán thêm hơn 13.400 tỷ nợ xấu sang VAMC.
Theo kế hoạch, BIDV dự kiến sẽ thực hiện tất toán được hết nợ tại VAMC trong năm nay. Agribank hiện đã cơ bản sẵn sàng để tất toán toàn bộ. VietinBank cũng sẽ tập trung xử lý tương tự vào đầu năm 2020.
Với các NHTM cổ phần khác, NHNN cũng gửi "tối hậu thư": những trường hợp nào còn dư nợ tại VAMC thì không được trả cổ tức bằng tiền mặt, phải tập trung tăng vốn và chủ động tạo nguồn để đẩy mạnh xử lý nợ xấu.
Cụ thể, NHNN đang dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC để thay thế cho Thông tư 19/2013/TT-NHNN, trong đó bổ sung thêm điều khoản các TCTD bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán.
Giới chuyên gia cho rằng, với lộ trình và kế hoạch như trên, có thể trong năm nay, mục tiêu giảm nợ xấu xuống 3% khó thực hiện được, nhưng triển vọng đầu năm 2020, tỷ lệ nợ xấu được nhận diện đầy đủ của toàn hệ thống sẽ hướng đến mục tiêu giảm được xuống 3%.
Hoàng Hà